Từ tiếng gọi nơi hoang dã tới tiếng gọi từ lòng trắc ẩn của một nhà báo

ANTD.VN - Chỉ trong một hai ngày ngắn ngủi, người thanh niên đó đã quyết định từ bỏ nghề buôn bán chó cho các lò mổ và cửa hàng thịt chó – cái nghề đã và đang nuôi sống cả gia đình anh - để chọn một công việc khác, dù anh chưa biết là việc gì, có thể là bán rau hoặc làm gì đó – nhưng chắc chắn không phải là nghề buôn bán chó nữa. Và đó là câu chuyện về một người bạn thân của tôi – câu chuyện về lòng trắc ẩn của một nhà báo chân chính…

Từ tiếng gọi nơi hoang dã…

Jack London, nhà văn Mỹ, nổi tiếng với tác phẩm“Tiếng gọi nơi hoang dã”

Chuyện kể về cuộc sống của chú chó mang tên Buck. Buck bị bắt khỏi trang trại. Và thật may mắn cho Buck. Nếu như ở Việt Nam thì chú đã trở thành đĩa hấp, chả, hay dồi, nấu măng hay rựa mận trên bàn nhậu. Nhưng ở Mỹ thì may mắn hơn vì người ta không có sở thích ăn thịt chó. Buck bị bắt để trở thành chó kéo xe ở khu vực tại vùng Bắc cực Alaska khắc nghiệt. Từ một chú chó quý tộc, thậm chí còn không biết cả kỹ năng sinh tồn trong mùa đông ở Bắc Cực của loài chó như là đào một cái hố và nằm xuống đó để hơi ấm của bản thân tỏa ra toàn hố và giữ ấm, Buck đã dần dần trở thành một chú chó kéo xe đích thực.

Buck thường xuyên phải chiến đấu để giành giật từng miếng ăn, học từng kỹ năng nhỏ nhất để chiến đấu với sói rừng, để không bị lũ chó Eskimo cắn đứt cuống họng trong các cuộc tranh giành. Và với trí thông minh của mình, Buck đã dần chiến thắng trong mọi cuộc đấu, tiêu diệt hết các đối thủ, trở thành chó đầu đàn.

Buck đã từ thế giới văn minh trở về với bản chất nguyên thủy của loài chó sói đó là tàn bạo, thích nghi để sinh tồn.

Có nhiều người lấy tiếng gọi nơi hoang dã để nói về sự thích nghi, sự khắc nghiệt của doanh nghiệp trong các môi trường kinh doanh khác nhau. Như số phận của Buck, phải tranh giành, giành giật, hại nhau để chiến thắng, để sinh tồn.

Người ta vẫn dùng từ luật rừng để nói về sự cạnh tranh, giành giật. Tuy nhiên nói vậy thì oan cho rừng và muông thú quá. Tôi không hiểu gì về sinh học, nhưng khi xem các chương trình thế giới động vật, xem loài thú sống với nhau, thấy rằng cả đàn sư tử không bao giờ tàn sát cả đàn trâu rừng để ăn mà chỉ tóm và ăn đúng một con chậm nhất đàn. Ăn hết mới tìm con mồi khác. Rừng có luật của rừng. Và luật rừng hết sức văn minh và mọi loài vật đều tuân thủ theo; đó là quy luật của sự sinh tồn, của sự phát triển bền vững. Không phải cứ có gì là ăn cho bằng hết, bắt cá là dí điện xuống suối, chết cả cá mẹ lẫn cá con. Dùng súng điện bắn chủ để bắt trộm chó bán cho lò mổ...

Trong thế giới của loài chó, vẫn có những khoảnh khắc rất đẹp để cho sự tồn tại của tình yêu thương. Chính tình yêu thương của con người, của một ông chủ nhân từ sau này đã cảm hóa Buck, khiến cho chú chó hoang dã muốn trở lại sống với thế giới văn minh, với thế giới loài người. Bởi giá trị nhân văn luôn tồn tại chứ không phải như người ta nói, kinh doanh cũng như loài chó sói, phải chiến thắng, tiêu diệt đối thủ, sinh tồn bằng mọi giá. Tiếc rằng ông chủ của Buck sau này cũng bị sát hại khiến nó mất hoàn toàn niềm tin vào thế giới văn minh, thế giới của loài người.

Buck chỉ là một chú chó. Nó đã đặt niềm tin vào một con người và đã tin đúng. Nhưng cả cái xã hội nơi ông chủ của Buck đang sống lại chỉ coi Buck và những chú chó như nó là... chó, như những công cụ để kéo xe. Và Buck đã trả thù những người đã sát hại chủ của mình một cách tàn bạo nhất vì Buck hiểu rằng khi ông chủ của mình bị sát hại, nó sẽ mãi mãi bị đẩy vào thế giới hoang dã và không còn cơ hội ở lại thế giới văn minh. Niềm tin khi bị đánh mất thì phản ứng rất đáng sợ.

Tới tiếng gọi từ lòng trắc ẩn của một nhà báo chân chính…

Ở nước ta có một cụm từ phổ biến hay được sử dụng khi chửi mắng ai đó, đó là “ngu như chó”. Tại sao loài chó thông minh, tình cảm như thế, mà chúng ta lại nói là “ngu như chó”. Qua câu chuyện của người bạn tôi, tôi chợt nhận ra có khi loài chó “ngu thật”…

Bạn tôi, phóng viên của một cơ quan báo chí lớn và rất uy tín, trên đường đi làm về gặp một người thanh niên chở một chiếc lồng chó rất to cỡ gần chục con đem đi bán cho lò mổ và nhà hàng thịt chó. Những ánh mắt buồn bã, ươn ướt của những chú chó trong lồng đã khiến bạn tôi quyết định rất nhanh, mua lại toàn bộ lồng chó đó và chuyển tất cả các chú chó ấy đến nhà của một người bạn, nơi có đầy đủ điều kiện để chăm sóc cho chúng. Điều ngạc nhiên là bạn tôi làm điều ấy không phải là lần đầu và không chỉ một lần, và nơi người bạn của cô ấy chăm sóc cho các chú chó cũng tiếp nhận rất nhiều chú chó như vậy.

Trong số những chú chó bạn tôi giải cứu, bên cạnh những chú chó rất đáng thương, chân vẫn còn đau đi khập khiễng do bị đám trộm chó bắt thì còn có một trường hợp đặc biệt. Con chó ấy đã già quá, nó đã đẻ cho gia chủ mấy lứa, và khi không đẻ được nữa, quá già thì gia chủ đã bán nó cho người buôn chó – một kết cục mà chắc chắn họ biết rằng con chó mà mình đã nuôi dưỡng nhiều năm sẽ vào lò mổ. Tôi biết rằng con chó ấy đã mang nặng đẻ đau, sinh hạ nhiều lứa con cho gia chủ, họ đã vui mừng lắm khi nó sinh con, chăm sóc cho nó và con nó, cho nó ăn ngon để bồi bổ sức khỏe, để tiếp tục sinh hạ các lứa con nữa. Và hẳn nhiên loài chó sẽ rất cảm động và trung thành với gia chủ của mình. Đúng là loài chó hay con chó ấy “ngu thật” khi nó không bao giờ biết rằng người chủ mà nó hết mực trung thành ấy, hết mực biết ơn vì đã chăm sóc nó, cho nó ăn ngon, một ngày nào đó sẽ bán nó đi, khi nó đã quá già và không thể sinh nở được nữa…

Loài chó không bao giờ ngu cả, càng trong hoàn cảnh khó khăn nó càng gắn bó, trung thành, thủy chung với con người, với người chủ của mình nhiều hơn. Và con người, đôi khi không hẳn là vì không có tình có nghĩa, chỉ đôi khi do hoàn cảnh sống quá khó khăn, họ đã không thể bộc lộ ra lòng trắc ẩn với một loài vật thủy chung như thế…

Lòng trắc ẩn và cái kết chưa trọn vẹn…

Chỉ trong một hai ngày ngắn ngủi, người thanh niên buôn chó sau khi chứng kiến hành động của bạn tôi đã gọi điện lại, anh đã quyết định từ bỏ nghề buôn bán chó cho các lò mổ và cửa hàng thịt chó – cái nghề đã và đang nuôi sống cả gia đình anh - để chọn một công việc khác, dù anh chưa biết là việc gì – nhưng chắc chắn không phải là cái nghề đó nữa.

Anh tâm sự hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ anh hàng ngày 4h sáng lấy rau ở quê đưa lên Hà Nội bán. Anh rất muốn đổi nghề, muốn có một chỗ ổn định ở một chợ nào đó để bán rau vì sẵn có mối của vợ rồi, có chỗ là anh sẽ lấy rau đi bán.

Và bạn tôi vẫn đang tiếp tục trao đổi với bạn bè để giúp đỡ cho anh. Vì lòng trắc ẩn của bạn tôi đã gợi nên lòng trắc ẩn trong anh. Và tôi nghĩ rằng, với những tấm lòng trắc ẩn như thế, loài chó sẽ đi theo tiếng gọi từ thế giới văn minh, thế giới của con người chứ không bao giờ phải đi theo Tiếng gọi nơi hoang dã nữa…