Từ tháng 9/2020: Thay đổi mức hỗ trợ bảo hiểm TNLĐ, phạt nặng người ngoại tình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tháng 9/2020, hàng loạt chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực thi hành như: Thay đổi mức hỗ trợ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giảm giá vé giao thông công cộng, dịch vụ giải trí cho học sinh, sinh viên, tăng chế tài xử phạt người ngoại tình…

Theo Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, từ 15/9 mức hỗ trợ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi người lao động bị tai nạn lao động có nhiều thay đổi.

Cụ thể, đối với khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ từ 15/9 là không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám (hiện nay không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám). Với chữa bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ từ 15/9 không quá 15 triệu đồng/người (quy định hiện hành không quá 10 lần mức lương cơ sở/người. Còn với phục hồi chức năng, mức hỗ trợ từ 15/9 không quá 3 triệu đồng/người/lượt (hiện nay không quá 2 lần mức lương cơ sở/người/lượt).

Cũng theo Nghị định này, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi có đủ các điều kiện sau: Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên; Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp với sức khỏe; Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Bên cạnh đó, người lao động được hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên; Được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám.

Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam . Theo đó, từ 20/9 bãi bỏ quy định “với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước 1/1/1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ LĐ, TB&XH để xem xét, quyết định."

Nghị định 82/2020/NĐ-CP nêu rõ, từ 1/9, phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với: Người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…

Còn theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục 2019, từ 1/9, 2 dịch vụ công cộng giảm giá vé cho học sinh, sinh viên gồm: Dịch vụ công công về giao thông như: tàu hỏa, xe ô tô buýt; Dịch vụ công cộng về giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa: Bảo tàng, di tích lịch sử, thư viện, triển lãm.

Các đơn vị tham gia vận tải công cộng và cơ sở văn hóa, giải trí phát hành vé giảm giá cho học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên xuất trình thẻ học sinh, sinh viên.