Từ tháng 2/2019: Bộ trưởng được đi xe công có giá tối đa 1,1 tỷ đồng

ANTD.VN -Nghị định 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan Nhà nước nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ được sử dụng 1 xe ô tô có giá tối đa 1,1 tỷ đồng trong thời gian công tác.

Cũng theo Nghị định 04/2019/NĐ-CP, từ 25/2/2019, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 1 ô tô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá.

Trong thời gian công tác, ngoài Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng được sử dụng 1 xe ô tô có giá tối đa 1,1 tỷ đồng.

Thứ trưởng, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.

Trường hợp người tiền nhiệm nghỉ, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ, ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thanh lý, thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới.

Quy định về quản lý và sử dụng xe công ngày càng chặt chẽ, minh bạch

Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định… được điều chỉnh theo công thức:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.

Theo Thông tư 122/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ  1/2/2019, thuốc lá lậu bảo đảm chất lượng sẽ được đấu giá, tiền thu được sẽ chi cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá

Ngoài ra, tiền có được từ đấu giá sẽ được chi cho các khoản: Chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc; Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm; Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…

Thông tư 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, từ 15/02/2019, doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng. Doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập…

Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành về chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong chương trình học của nhiều cấp học.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, môn học mới là Tin học và Công nghệ. Với cấp THCS, môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới. Ở cấp THPT, học sinh được lựa chọn học theo nhóm KHXH, KHTN, nhóm Công nghệ và nghệ thuật. Thông tư có hiệu lực từ 15/2/2019.

Theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, từ 5/2/2019, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; CMND; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.

Nếu các giấy tờ trên có sự mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, nhà trường, đoàn thanh niên…để hỏi, lấy lời khai, hoặc tìm các tài liệu khác chứng minh về tuổi của người đó.