Tử thần rình rập

(ANTĐ) - Vào mùa cạn, mực nước sông Hồng xuống thấp để lộ ra những bãi cát trải dài. Đây là địa điểm được rất nhiều học sinh tìm đến vui chơi vào dịp hè, song phần lớn học sinh lại không có kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình trước sông nước nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm.

Bờ cát ven sông:

Tử thần rình rập

(ANTĐ) - Vào mùa cạn, mực nước sông Hồng xuống thấp để lộ ra những bãi cát trải dài. Đây là địa điểm được rất nhiều học sinh tìm đến vui chơi vào dịp hè, song phần lớn học sinh lại không có kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình trước sông nước nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm.

Bãi Tự nhiên nơi thường xảy ra vụ chết đuối
Bãi Tự nhiên nơi thường xảy ra  vụ chết đuối

Mối nguy thường trực

Ở Việt Nam, hơn 6.000 trẻ em tử vong do đuối nước hàng năm, chiếm gần ½ trẻ em do tai nạn thương tích trong cả nước (số liệu tại Hội nghị Thế giới phòng chống đuối nước). Đuối nước thường xảy ra ở các giếng, kênh thủy lợi, ao, mương. Tại Hà Nội, nguy cơ xảy ra đuối nước còn xuất phát từ các bãi nổi trên sông vào mùa nước cạn.

Chiều 23-5, người dân ở khu vực bãi nổi ven sông Hồng thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội đã phát hiện 2 học sinh nữ chết đuối. Danh tính của 2 nữ sinh là Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị L, 18 tuổi, đều là học sinh trường THPT Lý Tử Tấn. Trước đó, khi buổi học cuối cùng kết thúc, nhóm bạn gồm 6 học sinh rủ nhau ra bãi Tự Nhiên liên hoan chia tay. H và L tách đoàn đi ra xa hẳn khu dân cư đến cồn cát nổi lên hình xoắn ốc. Do trượt chân, cả hai đã ngã xuống sông chết đuối.

Trước đó một ngày, sau khi liên hoan kết thúc năm học, một số học sinh của trường THCS Phong Vân, huyện Ba Vì rủ nhau ra sông chơi và nhảy xuống tắm. Nguyễn Hoàng A, học sinh lớp 7 trường THCS Phong Vân đã bị chết đuối tại khu vực bên sông xóm Bãi.

Trên địa bàn Hà Nội có 20 con sông lớn; 12 hồ chứa nước có dung tích lớn và gần chục con suối nhỏ nằm ở các huyện vùng núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn sông nước trong những ngày hè nắng nóng, đặc biệt đối với học sinh tổ chức đi dã ngoại tại những khu vực này.

Thiếu kỹ năng cơ bản

Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn khó lường khi tắm sông.
Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn khó  lường khi tắm sông.

Chúng tôi đến bãi Tự Nhiên thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín vào một buổi trưa hè. Trên bờ cát nắng chói chang thấp thoáng bóng dáng nhiều bạn trẻ đang đùa nghịch. Bãi Tự Nhiên đẹp do có bờ cát trắng trải dài, sóng nhẹ nhưng tầm cát ở đây lại mỏng và có độ nghiêng với bờ lớn nên năm nào cũng có người chết đuối.

Bác Nguyễn Ngọc Hiếu làm nghề chài lưới trên sông cho biết: “Khi chúng tôi cảnh báo nguy hiểm có người cứ lờ đi, nhiều học sinh còn quay lại bảo “cháu là con Hà Bá bác đừng lo”, có nhiều người còn đối đáp bằng lời lẽ khó chịu. Tầm 17h chiều là học sinh ra đây rất đông, chủ yếu là học sinh cấp III, chúng chạy nhảy, nô đùa, bơi ra xa bờ”.

Theo kinh nghiệm của nguời dân địa phương, nước sông Hồng đoạn này chảy khá mạnh và xoáy ngầm ở bên dưới, cộng thêm việc khai thác cát đã hút đi lượng lớn cát, khi dòng chảy bồi đắp tạo thành những bậc thang cát với độ kết dính thấp ở gần bờ. Mùa nước cạn tính từ tháng 9 đến tháng 4 (Âm lịch), khi chúng ta đi trên đoạn bậc thang cát đó khiến dòng nước đang chảy gặp vật cản sẽ xoáy bên dưới làm lở cát tạo thành hốc dẫn đến sụt chân; dòng nước nhanh chóng đánh tan bậc cát hình thành nên một vực sâu tầm 2-3m.

 Bác Hiếu cho biết từ tháng 6 trở đi, người dân từ các nơi đổ về đây tắm rất đông, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Hàng năm, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc là học sinh nô nức kéo ra đây cắm trại, chụp ảnh lưu niệm. Đã thành thông lệ, cứ sau ngày thi, người dân sống quanh đây lại chuẩn bị thuyền, bè, sào, lưới để cứu nạn khi có trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Thành Trung-Phó trưởng CAH Thường Tín cho biết: “CAH phối hợp cùng nhà trường tuyên truyền cho các học sinh về mức độ nguy hiểm của các bãi cát nổi nhưng khó kiểm soát chặt chẽ được. Bên cạnh đó, các tàu hút cát thường hút cát ở tầng sâu nên đã tạo thành các hố, khi phù sa bồi đắp không đủ thời gian lấp chặt đầy các hố dẫn tới nhiều người dạo chơi bước trên ụ cát nhỏ bị tụt chân xuống hố.

Điển hình là ngày 23-5-2011, 2 nữ sinh THPT bị tai nạn đuối nước. Địa phương đã có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng bờ cát dài mấy chục hécta, lực lượng thiếu, các em học sinh chủ yếu đi tự phát vào giờ vắng người như buổi trưa nên việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn”. 

Thượng tá Trung cho biết, nguyên nhân xảy ra chết đuối một phần do các em học sinh không được học bơi cơ bản cũng như các kỹ năng tối thiểu tự bảo vệ mình trước sông nước trong nhà trường. Khi xảy ra tai nạn, thay vì nắm tóc bạn kéo lên các học sinh lại lao đến cầm tay hoặc ôm người dẫn đến nhiều vụ đuối nước tập thể.

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra chết đuối vào dịp hè, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đặc biệt là gia đình và nhà trường có biện pháp quản lý chặt chẽ con em mình.

Thanh Hương