Tự sự của kẻ mang án không số, giết hại người cha thân yêu

ANTĐ - Lộc Văn Coong phạm tội giết người và bị tuyên phạt án chung thân. Trớ trêu nhất nạn nhân của Coong chính là cha – người dứt ruột đẻ ra Coong và cũng là người Coong yêu thương, kính trọng nhất. Lộc Văn Coong đã có những phút trải lòng về hồi ức, hoài niệm và sai lầm không thể tha thứ của bản thân bằng một giọng kể ngập ngừng, rón rén như sợ làm xô lệch kỉ niệm...

Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày rong ruổi cùng cha đi từ nương ngô này sang nương ngô khác, từ bãi mía này sang bãi mía nọ, ở mảnh đất Nguyên Bình - Cao Bằng. Sau này, kể cả khi đã có gia đình, tôi vẫn thường cùng cha cuốc bộ khắp các rẫy cà phê, vừa làm cỏ, vừa tỉa cành, vừa nghe những câu chuyện cực kỳ thú vị về cuộc đời nhiều sóng gió của ông... Anh chị em của tôi đều nói, trong số các người con của cha, tôi là người hợp tính ông hơn cả. Tôi được ví như bản sao của cha từ ngoại hình cho tới tính cách. Trong thâm tâm, tôi tôn thờ cha và coi ông là tấm gương để phấn đấu.

Thế nên, sau khi tôi cầm súng giết cha, trong khoảnh khắc vụt qua rất nhanh, tôi nhìn thấy sự ngỡ ngàng tột đỉnh trong đôi mắt ông, tôi nhìn thấy sự giận dữ, nổi sóng của các anh chị em tôi. Ngay cả chính mình, tôi cũng không thể tha thứ cho bản thân và tự hỏi, tại sao tôi có thể ra tay với người đã sinh thành, dưỡng dục, cũng chính là người tôi tôn kính nhất?

Cha vẫn thường dạy anh em chúng tôi, dù cuộc sống có nghèo khổ, khó khăn nhưng là máu mủ ruột rà phải nương tựa, chở che nhau. Sống trên đời quý nhất là chữ Tình, đừng vì lợi danh mà quên đi ân nghĩa, quên đi những ngày khốn khó. Nói thế nào, ông đều cư xử và sống như thế ấy. Chính thế tôi chưa từng bao giờ nghe một lời to tiếng, nặng lời của cha đối với cô chú, họ hàng và con cái. Những lời cha dặn dò, luôn được anh em chúng tôi khắc cốt ghi tâm, tự nhủ sẽ mang theo trên hành trình cuộc đời.

Cha tôi xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, không có điều kiện đi học đầy đủ. Bản thân ông cũng nương tựa vào hạt lúa, củ khoai nuôi anh em chúng tôi khôn lớn, nên người. Tôi hay được cùng cha đi bắt cá dưới suối, lên đồi bẫy thú. Ông tinh tường tới mức, trên dòng suối miên man, dài tít tắp biết đích xác điểm nào có nhiều cá hội tụ, nơi nào có cá ngon, cá to. Cha dạy tôi kỹ năng bẫy thú rừng, tránh những loài vật nguy hiểm như rắn rết. Hôm nào cha con tôi cầm bẫy, cầm lao lên rừng, xuống suối, là bữa đó cả nhà được bữa tươi cải thiện.

Kể cả lúc ấu thơ và đến khi trưởng thành, điều khiến tôi thích thú nhất mỗi khi cùng cha lên rẫy, là được nghe ông kể chuyện về những vùng đất ông đã từhg đặt chân đến. Đứa trẻ lên 8 và người đàn ông trưởng thành sau này đều chết mê chết mệt chuyện của cha, cảm nhận được giấc mơ tự do và niềm hạnh phúc, tự hào về quá khứ hào sảng của ông. Và, có một điều tôi chưa bao giờ thổ lộ, rằng ông chính là người ảnh hưởng nhiều nhất đến suy nghĩ, hành động trong cuộc đời tôi. Bởi có lẽ, người dân tộc Nùng quê tôi hiền lành lắm, sống giản đơn lắm, thổ lộ lòng yêu mến, kính trọng dường như quá khó khăn.

 

Mảnh đất Nguyên Bình - Cao Bằng hiền hòa song quá nhiều nghèo khó, trong khi cha tôi cần gánh vác một gia đình lớn với những đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trong kí ức non nớt của mình, tôi từng chứng kiến hàng đêm dài ông không ngủ, ngồi đốt thuốc lá cuộn bên chiếc đèn dầu leo lét và thở dài phiền muộn. Tôi không dám hỏi, chỉ biết chắc ông đang có tâm sự gì đó. Tới vài hôm sau, ông thông báo với mấy anh em tôi về việc chuyển nhà vào Đắk Lắk, xây dựng kinh tế mới. Đối với tụi trẻ con ngây thơ chúng tôi, được đến một vùng đất mới trù phú, lạ lẫm giống như một cuộc khám phá kỳ thú và đầy háo hức, không biết rằng ngày lên đường, cha mẹ tôi len lén lau vội những giọt nước mắt xa xót khi phải rời bỏ quê hương bao năm chôn rau, cắt rốn.

Nhà mới của chúng tôi được dựng tạm bợ, bốn tấm phên nứa làm vách và mái lớp lá cọ, nửa đêm nghe rõ tiếng lộp bộp mưa xối xả xuống mái nhà, mấy anh chị em ôm nhau rúc rích trong tiếng húng hắng ho của mẹ. Mẹ cùng cha nai lưng làm lụng nuôi mấy anh em, ngay cả lúc mắc trọng bệnh, bà vẫn nhất quyết cầm chiếc cuốc lên rẫy làm cỏ cà phê, mặc sức cha và chúng tôi can ngăn. Bà trụ được tới năm 1996 rồi qua đời sau trận ốm nặng. Từ ngày ấy, chúng tôi ít nhìn thấy nụ cười trên môi cha. Ông như một người khác, lầm lũi và cô độc làm bạn với khói thuốc và nương rẫy. Lúc ấy, chúng tôi mới hiểu rằng, số phân lấy đi của cha một người thương yêu nhất chẳng khác nào mang đi tất cả kí ức, khoảng trời của ông.

Anh em chúng tôi lần lượt lập gia đình và có gia đình nhỏ của mình. Có chăng, trong cuộc sống xô bồ, tất bật mưu sinh, giây lát nào đó anh em tôi "quên mất" một bóng già trong ngôi nhà của mình. Tôi vẫn là người thường xuyên trò chuyện, cùng cha lên rẫy làm cà phê, nhưng sự say mê, náo nức thuở hồn nhiên về cha và thế giới bí ẩn trong câu chuyện kể của ông dần nhạt phai vì bị nỗi lo cơm áo đè bẹp.

Bi kịch rơi xuống vào ngày mùng 3 Tết năm 1998, mấy anh em tôi mở tiệc ăn uống tại nhà tôi. Dự định anh em lâu ngày hàn huyên, trò chuyện ôn lại kỉ niệm xưa cũ, phần để cha cảm thấy vui khi nhìn anh em hòa thuận. Nhưng, bữa rượu hôm đó là một khúc ngoặt lớn làm cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác và tôi đã phạm phải một sai lầm không bao giờ có thể tha thứ được.

Người dân tộc Nùng chúng tôi vốn có khả năng uống rượu rất giỏi. Trong bữa rượu ngày Tết thảnh thơi, sau hồi "báo cáo" những sự kiện quan trọng làm được trong năm cũ với cha, anh em tôi hào hứng chúc tụng nhau năm mới làm ăn thuận hòa, êm ấm. Trong lúc rượu vào lời ra, anh trai tôi là Lộc Văn Choong và cậu em út Lộc Văn Đại không hiểu mắc mớ nhau chuyện gì đâm ra to tiếng. Đỉnh điểm của cơn nóng giận là anh trai tôi lôi khẩu súng săn tự chế đặt ở góc nhà, vốn dùng đi săn và chống thú dữ, nhằm bắn cậu em út bướng bỉnh.

Thấy cảnh đó, tôi nhanh tay chộp lấy khẩu súng, máu nóng bốc lên, tôi ấm ức chuyện cha tôi không đứng ra hòa giải khi nhìn thấy các con cãi vã, tôi chĩa súng về phía cha và một tiếng nổ khô khốc vang lên. Anh em tôi chết sững nhìn tôi lăm lăm cầm khẩu súng dài, thét lên: "Mày giết cha rồi", rồi họ lao tới đỡ cha. Trong giây phút trôi qua rất nhanh ấy, tôi nhìn thấy ánh mắt bàng hoàng của cha. Không lâu sau đó, đôi mắt ấy vĩnh viễn khép lại, phủ một màu đen sẫm.

Sau phát súng rền, men rượu trong tôi tan biến, bần thần nhìn đôi tay mình, tôi hốt hoảng nhận ra mình vừa gây nên trọng tội. Theo phản xạ thông thường, tôi choàng khỏi cơn ác mộng, vụt chạy đi trong bóng đêm. Tôi mải miết chạy mãi, chạy mãi vào rừng cà phê, mặc kệ cơn mưa rừng đang xối xả đổ xuống người. Cho tới khi mệt lả người, tôi dừng lại, ngồi núp dưới gốc cây cà phê, tự cào cấu lồng ngực, nước mắt cứ thế đua nhau chảy ra. Thương cha bao nhiêu, tôi hận mình bấy nhiêu. Tất cả cũng vì rượu mới ra nông nỗi ấy.

Ngày hôm sau, gia đình tôi phát tang. Tôi xuất hiện với bộ dạng thê thảm với bộ quần áo ướt nhẹp vì cơn mưa đêm trước. Trong cơn kích động, anh trai và em tôi lao vào định "sống mái" với kẻ nghịch tử giết oan cha cùng tiếng van xin của các cô em gái. Tôi mặc kệ sự nóng giận của mọi người, quỳ xuống chiếc quan tài có cha tôi nằm lặng yên trong đó, gương mặt hiền từ nhuộm màu đau khổ một đời vất vả ra đi trong tủi hờn. Nước mắt của tôi không thể xoa dịu tội lỗi của mình, thắp vội nép hương cho vong linh người đã khuất, thay bằng việc đầu thú trước cơ quan pháp luật, tôi khăn gói bỏ về Nguyên Bình - Cao Bằng lẩn trốn.

Trở về Nguyên Bình - mảnh đất in dấu vô vàn kí ức tuổi thơ tôi, mảnh đất của hoài niệm và bóng dáng của cha. Tôi lầm lũi làm nương, trồng lúa, trồng ngô, sống khép mình, ít giao du với hàng xóm. Mảnh đất cố hương không ai hay biết tội lỗi của tôi, họ đơn giản nghĩ tôi là một kẻ quen sống với cô độc và kín tiếng.

Hai năm chung sống với những mảnh vụn kí ức cũng không thể gột rửa tội lỗi gây ra, tôi bị bắt vào một ngày đầu tháng 7/2000 và mức án chung thân dành cho kẻ tội đồ là cái giá tôi phải trả.

Một điều lạ lùng, khi nhận mức án chung thân - mức án không có số, không hẹn ngày về, tôi không hề cảm thấy nặng nề hay sợ hãi. Trái lại, tôi cảm thấy nhẹ lòng, đón nhận nó như một điều tất yếu. Đối diện với tội lỗi, sai lầm là cách tốt nhất để hóa giải ám ảnh thay bằng việc lẩn trốn nó. Có tội thì phải đền tội, nhưng dù có đền tội bao nhiêu, tôi cũng không thể giúp cha tôi sống lại, cũng không thể chuộc lỗi với vong linh người đã khuất.

Vào trại giam Gia Trung, sau những giờ làm việc tại lò chén, mỗi đêm về, hình ảnh của cha tôi lại hiện ra trong nỗi nhớ. Có lẽ, suốt cả cuộc đời này, tôi không thể tha thứ cho bản thân - kẻ giết cha - người tôi kính yêu nhất trong cuộc đời. Và trong những giấc mơ xa xôi, đứa trẻ lên 8 ngày nào được nắm chặt tay cha, xuống suối bắt cá, lên rừng bẫy chim, giống như ngày nào...

Ghi theo lời kể phạm nhân Lộc Văn Coong - Trại giam Gia Trung - Gia Lai