Tự rước họa vì "cầm" phải giấy tờ tùy thân giả

ANTĐ - Liên tiếp trong thời gian gần đây, CATP Hà Nội khám phá nhiều vụ sử dụng Thẻ sinh viên, Chứng minh nhân dân giả để đặt vào hiệu cầm đồ. Theo quy định pháp luật, đây là loại tài sản không được cầm cố.

Đối tượng và những tang vật các vụ án giấy tờ giả bị Công an Hà Nội phát hiện 

“Mặt hàng” dễ cầm cố?

Như Báo ANTĐ thông tin, mới đây, CAQ Đống Đa, Hà Nội đã khám phá vụ án đối tượng sử dụng Thẻ sinh viên giả đi cầm đồ. Vụ việc xảy ra vào ngày 19-10-2015, một nam thanh niên đã mang Thẻ sinh viên đến cửa hàng của anh Nguyễn Văn H. “cầm” số tiền 3 triệu đồng. Bẵng đi một thời gian, khi đối chiếu sổ sách, anh H. phát hiện phiếu cầm đồ quá hạn mà người đặt không đến lấy, đồng thời chiếc Thẻ sinh viên trông… khang khác, nên đã đến trình báo tại CAP Láng Hạ. Kết quả giám định cho thấy chiếc thẻ trên là giả. 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã xác định, bắt giữ Nguyễn Văn Mạnh (SN 1993), quê quán Thuận Thành, Bắc Ninh, là đối tượng sử dụng Thẻ sinh viên giả để cầm đồ. Khai thác mở rộng, cơ quan Công an làm rõ anh H. không phải là nạn nhân duy nhất của Nguyễn Văn Mạnh.

Một ngày sau khi kiếm được 3 triệu đồng của anh H., cũng với thủ đoạn tương tự, Mạnh đã lừa một chủ hiệu cầm đồ ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, chiếm đoạt được 3,5 triệu đồng. Ngoài các vụ việc trên, năm 2014, Mạnh cũng đã làm giả Thẻ sinh viên trường Đại học Thương mại để lừa đảo một chủ hiệu cầm đồ ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chiếm đoạt 3,5 triệu đồng. 

Cuối tháng 3-2016, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã bóc gỡ một ổ nhóm chuyên làm giả Thẻ sinh viên và Chứng minh nhân dân để mang đi cầm đồ. Các đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Tiến Việt (SN 1993, trú tại thị trấn Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Văn Cường (SN 1996, trú tại quận Dương Kinh, Hải Phòng); Đoàn Duy Thắng (SN 1996, trú tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) và Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1991, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). 

Từ tháng 12-2015 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã mang Thẻ sinh viên giả đi nhiều nơi để cầm cố, chiếm đoạt được 10 triệu đồng ở hiệu cầm đồ do anh Nguyễn Thành Trung (ở phố Tân Triều, quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm chủ; và lừa lấy được 4,5 triệu đồng của một hiệu cầm đồ khác tại quận Bắc Từ Liêm. Trong quá trình tiếp tục sử dụng thủ đoạn này tại cửa hiệu của anh Nguyễn Quang C. trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm để “kiếm” 3 triệu đồng, các đối tượng đã bị anh C nghi ngờ, giữ lại rồi thông tin đến cơ quan Công an.

Đừng ham lợi nhỏ

Theo quy định về hoạt động kinh doanh cầm đồ tại Nghị định 72/2009 và Thông tư 33/2010, tài sản cầm cố phải là tài sản có xác định sở hữu như nhà cửa, máy tính, điện thoại, xe máy, ô tô… Riêng đối với giấy tờ xác định sở hữu như “sổ đỏ”, “sổ hồng”, nếu người mang đến hiệu cầm đồ nhưng không đứng tên, thì phải có giấy ủy quyền. 

Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: theo quy định, các loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Thẻ sinh viên không thuộc diện được phép cầm cố. Nhưng vì chiều khách, thậm chí, có cả tâm lý vụ lợi, cho rằng với mỗi cá nhân, chiếc Thẻ sinh viên, Chứng minh nhân dân có giá trị quan trọng, nên nhiều chủ hiệu cầm đồ vẫn nhận “cầm” loại giấy tờ này.

Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng Thẻ sinh viên hay giấy tờ tùy thân giả để thế chấp. Lại có đối tượng đặt giấy tờ tùy thân thật, những lần đầu đến lấy và trả tiền đúng hẹn. Sau khi có được lòng tin của chủ hiệu cầm đồ, đối tượng sử dụng giấy tờ giả, xin vay số tiền lớn rồi… biến mất.

Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo các chủ hiệu cầm đồ cần tuân thủ quy định của Nhà nước, không nên nhận những giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Thẻ sinh viên, để tránh nguy cơ mắc bẫy lừa. “Trường hợp phát hiện những người đến cầm cố giấy tờ tùy thân, cần cảnh giác, từ chối và thông tin ngay đến cơ quan Công an. Bởi không loại trừ trong số ấy có kẻ xấu”, đại diện CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo.

Khó xác định giấy tờ giả bằng mắt thường

Theo đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội, thủ đoạn làm giả giấy tờ thường có 3 dạng: đối tượng sử dụng phôi thật rồi dùng hóa chất tẩy xóa, từ đó điền nội dung mới, hoặc sử dụng một mặt của giấy tờ thật, mặt sau là giấy tờ giả.

Thậm chí, đối tượng áp dụng kỹ thuật đồ họa kết hợp sử dụng thiết bị in ấn công nghệ cao để làm giả hoàn toàn. Chính vì vậy, bằng mắt thường, thậm chí bằng kính lúp, rất khó để xác định được giấy tờ là giả hay không, mà phải thông qua các thiết bị điện tử hiện đại. 

Việc nhận “cầm” giấy tờ tùy thân, nguy cơ không chỉ đến với chủ hiệu cầm đồ, mà cả với xã hội. Hiệu cầm đồ chính là những “địa chỉ” mà tội phạm thường tìm đến để khai thác “nguyên liệu” Thẻ sinh viên, Chứng minh nhân dân, để phục vụ ý đồ xấu. Với những loại giấy tờ này, chúng sẽ sử dụng để phục vụ các giao dịch mua bán xe máy, ô tô, bất động sản...

Lực lượng Công an cơ sở cần thường xuyên tiến hành kiểm soát, tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh cầm đồ, không nhận cầm cố, thế chấp hoặc mua bán các loại giấy tờ tùy thân, tránh bị tội phạm lợi dụng.