Tự quyết biệt thự

(ANTĐ) - Sau thời gian cân nhắc khá dài, Thủ tướng cuối cùng đã cho phép Hà Nội tự quyết định số phận của hơn 970 biệt thự hiện hữu tại Thủ đô. Tuy thế, trong chỉ đạo của mình, người đứng đầu Chính phủ vẫn nhấn mạnh “phải chặt chẽ”, trong cả công đoạn rà soát cũng như quản lý quỹ nhà biệt thự ở Hà Nội.

Tự quyết biệt thự

(ANTĐ) - Sau thời gian cân nhắc khá dài, Thủ tướng cuối cùng đã cho phép Hà Nội tự quyết định số phận của hơn 970 biệt thự hiện hữu tại Thủ đô. Tuy thế, trong chỉ đạo của mình, người đứng đầu Chính phủ vẫn nhấn mạnh “phải chặt chẽ”, trong cả công đoạn rà soát cũng như quản lý quỹ nhà biệt thự ở Hà Nội.

Biệt thự Hà Nội luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng. Không chỉ bởi sự sang trọng hay quý phái mà với những bản sắc rất riêng, biệt thự Hà Nội từ hàng trăm năm qua đã trở thành một nét văn hóa đặc thù của Thủ đô. Hơn thế nữa, gần 1.000 biệt thự còn là nơi trú ngụ của hàng trăm nghìn người dân Hà Nội qua nhiều thế hệ.

ứng xử với văn hóa ở một Thủ đô 1.000 năm tuổi luôn cần sự cẩn trọng. Không phải ngẫu nhiên mà đề án quản lý biệt thự ở Hà Nội phải dự thảo tới 12 lần, bị “đánh trượt” ở một kỳ họp HĐND TP và phải chờ tới gần một năm sau mới được HĐND TP thông qua ở một kỳ họp khác với nhiều dư âm “băn khoăn, lo lắng”. Những tâm tư ấy không nằm ở những biệt thự không được phép bán hay đã bán trọn biển mà ở hơn 600 biệt thự đã bán dang dở, đan xen sở hữu Nhà nước - hộ gia đình. Cũng vì cần sự chặt chẽ, sau khi HĐND TP đã quyết nghị, Hà Nội tiếp tục báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để “xin ý kiến chỉ đạo”.

Cả trước và sau khi HĐND TP Hà Nội quyết việc bán biệt thự, doanh nghiệp, người dân, chuyên gia đã có những cuộc tranh luận liên miên và gay gắt về số phận hơn 600 biệt thự đã bán dang dở. Một phía cho rằng, hơn 600 biệt thự ấy là “di sản” chứ không chỉ là “tài sản”. Nếu tiếp cận các tòa biệt thự này với nghĩa “di sản” thì không bao giờ nên bán. Bởi, nếu bán cho tư nhân, tuy thành phố thu được vài nghìn tỷ đồng song khi đã là chủ, họ hoàn toàn có quyền đập đi, san phẳng và xây mới thành các tòa nhà hiện đại. Như thế, cho phép bán nghĩa là mất...

Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, không phải tất cả các biệt thự đều có giá trị về lịch sử, kiến trúc. Vì vậy, không nên “bảo tồn” quá nhiều. Các tòa nhà xuống cấp nếu để lại sẽ làm thành phố nhếch nhác. Tuy nhiên, sau khi bán, trường hợp muốn cải tạo, nâng cấp, phải quản chặt bằng giấy phép xây dựng. Giấy phép đó cần phải quy định rõ được xây thế nào, kiểu nào, cải tạo thế nào... để tránh nguy cơ “xóa sổ” không gian biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội... Hơn nữa, không cho bán tiếp cũng không ổn bởi thực chất, hơn 600 biệt thự đó đã bán dang dở và thành phố không tài nào quản nổi nếu người dân tự ý mua đi, bán lại. Do đó, việc bán biệt thự ở đây mang ý nghĩa xã hội nhiều hơn yếu tố thị trường.

Gánh nặng tự quyết của thành phố Hà Nội giờ nằm ở khâu quản lý chứ không phải khâu bán. Với số lượng hồ sơ chờ giải quyết chừng hơn 1.000, quá trình bán có thể sẽ diễn ra rất nhanh song quản lý thế nào và quản được “chặt chẽ” như yêu cầu của Thủ tướng là chuyện rất khó. Công cụ hành chính sẽ được vận dụng như thế nào để tạo ra quyền quản lý của Nhà nước trong một tài sản đã bán cho người dân? Tuy khó nhưng việc cho ra đời quy chế quản lý biệt thự cũng không thể chùng chình. Bởi trong khi thành phố tiếp tục cân nhắc hay tìm giải pháp, quỹ nhà biệt thự quý giá đang ngày đêm xuống cấp và hàng nghìn hộ dân vẫn đang mỏi mòn chờ đợi quyết định cuối cùng của thành phố.

Chính Trung