Tự phong Thiếu tướng và Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương lừa đảo chiếm đoạt hơn 83 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Hoa Hữu Long (SN 1964, Giám đốc Công ty TNHH phát triển Long Nhật), song phiên tòa đã phải trì hoãm do vắng mặt một số người liên quan.

Vợ bị cáo Long là Cao Thị Kim Loan (SN 1970, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Nhật Mỹ) cùng 12 bị cáo khác cũng bị xem xét về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án này từng được đưa ra xét xử năm 2021, sau đó bị hủy án để xét xử lại.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Hoa Hữu Long tự xưng là Thiếu tướng, Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương (S10), chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động liên quan đến S10, trực tiếp chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện việc tuyển nhân sự về làm việc cho S10, thu chi phí từ 65-110 triệu đồng/nhân sự.

Vợ chồng Hoa Hữu Long (bên trái) và các bị cáo liên quan.

Vợ chồng Hoa Hữu Long (bên trái) và các bị cáo liên quan.

Tính đến ngày 29-11-2017, Hoa Hữu Long và các đồng phạm đã thu hồ sơ của 951 nhân sự, với tổng số hơn 83,5 tỷ đồng. Ngoài ra, vợ chồng Long còn thu của Mạc Phúc Hải hơn 15,7 tỷ đồng để thực hiện các dự án kinh tế không có thật. Cơ quan điều tra làm rõ tổng số tiền vợ chồng ông Long chiếm đoạt là hơn 99,2 tỷ đồng.

Theo truy tố, Hoa Hữu Long biết Tập đoàn Đông Dương (Tổ chức S10) không có thật nhưng vẫn có hành vi gian dối tự phong là Tư lệnh, Thiếu tướng, người đứng đầu tổ chức S10 và đứng ra tuyên truyền, đưa ra các văn bản không có thật, giới thiệu về bản thân, tổ chức S10 với các nhân sự, hứa hẹn phong cho họ có một cấp bậc, chức vụ trong quân đội nhân dân để họ tin tưởng nộp hồ sơ và tiền.

Long đã trực tiếp hoặc chỉ đạo các bị cáo Cao Thị Kim Loan, Nguyễn Minh Sơn, Trần Duy Hưng, Phùng Thị Thanh Huế, Phạm Thế Hùng, Nguyễn Tân Mão, Hoa Bách Tùng cùng một số đối tượng khác thu tiền, hồ sơ của các lao động, sau đó không thực hiện như đã hứa và không trả lại tiền cho họ.

Quá trình khám xét nhà Long, cơ quan điều tra thu giữ 14 tài liệu có chữ ký, con dấu đỏ, trong đó có quyết định đầu tư giai đoạn 1 dự án 319 Đà Nẵng, các quyết định, kế hoạch của Bộ Tài nguyên Môi trường, Văn phòng Chính phủ…

Tại cơ quan điều tra, Long khai nhận số tài liệu trên từ đối tượng không rõ thông tin và không biết các tài liệu này là giả nhưng thừa nhận có đưa các tài liệu đó cho những người khác xem để họ tin tưởng Tập đoàn Đông Dương là có thật và tham gia, nộp tiền.

Cơ quan điều tra khởi tố vụ án làm giả tài liệu. Tuy nhiên, hiện không xác định được bị can làm giả các tài liệu trên nên tách vụ án để điều tra, làm rõ.

Quá trình điều tra mở rộng, ngoài việc làm rõ hành vi lừa đảo của 14 bị cáo trong vụ án, cơ quan công an xác minh, làm rõ vai trò liên quan của 13 đối tượng cũng tham gia vào việc tuyển dụng, thu tiền của những người xin việc vào Tập đoàn Đông Dương.

Cơ quan công an cho rằng, đa phần những người này đều là họ hàng, bạn bè thân thiết, xuất phát từ việc tin tưởng vợ chồng Long và bản thân họ cũng nộp tiền hồ sơ vào tập đoàn Đông Dương. Toàn bộ số tiền những người này thu được chuyển cho vợ chồng Long.

Những người này không có dấu hiệu hưởng lợi bất chính và đã chủ động bỏ tiền cá nhân khắc phục cho các bị hại. Do vậy, cơ quan công an thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với họ mà xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khám xét, xơ quan công an thu giữ 8 sổ tiết kiệm có hơn 26,7 tỷ đồng mang tên bà Nguyễn Thị Ngữ (mẹ đẻ bị can Loan), song không ghi được lời khai của bà Ngữ do bà này đã chết năm 2019.

Quá trình điều tra còn xác định, chị Hoa Ngọc Mỹ (con gái Long) đứng tên nhiều sổ tiết kiệm từ năm 2016-2017. Hiện các sổ tiết kiệm này đã tất toán hết. Chị Mỹ trình bày chữ ký trong các sổ tiết kiệm là do chị ký nhưng theo chỉ đạo của Loan. Chị không biết nội dung gửi tiền. Còn 8 sổ tiết kiệm khác thì chữ ký chủ tài khoản không phải của chị Mỹ.

Bị cáo Loan khai nhận, việc mở các sổ tiết kiệm mang tên Hoa Ngọc Mỹ do Loan thực hiện rồi chuyển sang tên bà Nguyễn Thị Ngữ. Nguồn gốc số tiền gửi có 12 tỷ đồng thu của các nhân sự xin vào Tập đoàn Đông Dương. Số tiền còn lại là tiền tích lũy từ việc kinh doanh của 2 vợ chồng và tiền tích lũy bà Ngữ nhờ Loan quản lý.

Do thời gian đã lâu, các nhân viên ngân hàng không nhớ cụ thể các lần Loan và bà Ngữ đến gửi tiền. Còn các con của bà Ngữ thì trình bày không biết về những quyển sổ tiết kiệm này.

Cơ quan điều tra đã giám định chữ ký và xác định lời khai của bị cáo Loan là có cơ sở. Do đó, cơ quan điều tra đã phong tỏa toàn bộ số tiền trên. Quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng Hoa Hữu Long đề nghị dùng 27 tỷ đồng để bồi thường cho các bị hại.