Tù những vụ án con cái ngược đãi cha mẹ: Khủng hoảng nhân cách và giá trị

ANTĐ - Lên mạng chửi cha mẹ ông bà, xuống tay sát hại cha mẹ… Đây là sự đổ vỡ trầm trọng của tình thân khi kết nối gia đình lỏng lẻo, tôn ti trật tự về kính trên nhường dưới bị đảo lộn. Nhưng lỗi không chỉ thuộc về giới trẻ. 

Tù những vụ án con cái ngược đãi cha mẹ: Khủng hoảng nhân cách và giá trị  ảnh 1


“Thái Sơn” bị đạp đổ

Gần đây, mạng facebook liên tục nóng bởi nhiều nickname lên mạng chửi bố mẹ và những người đẻ ra bố mẹ là ông bà. Nickname của một chàng trai Nguyễn Hạnh Linh đã lên mạng chửi mẹ chỉ vì mẹ không cho tiền ăn chơi như chúng bạn và dám xúc phạm người yêu của anh ta. Anh ta dùng đủ các tên thô tục, bậy bạ để gọi mẹ như: mày, con đ… vô cùng bất hiếu, vô học. Hàng trăm nghìn bạn trẻ đã đổ xô vào xem và bình phẩm. Đáng chú ý, có không ít ý kiến đồng tình, khuyến khích anh ta chửi tiếp  hoặc cũng đồng tình bất bình về bố mẹ mình. 

Gần đây, lại có một nickname mỹ miều Quỳnh Anh cũng chửi bà ngoại và bố mẹ vì bà “dám” bắt cô ta chăm học và làm việc nhà. “Nghỉ hè bắt người ta học thì làm sao mà học được! Rửa bát à, nấu cơm à, quét nhà à... chúng mày biết thừa tao… biết làm rồi mà!”.

Vụ ra tay sát hại cha mẹ của Lưu Văn Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ vì bố mẹ không cho anh ta tiền trả nợ lô đề khiến cho nhiều người rúng động. Không phải là cơn giận bột phát, anh ta lạnh lùng lên kế hoạch và rình rập đợi thời cơ để sát hại cha mẹ, thấy cha mẹ chưa chết hẳn, anh ta còn quay lại chém tiếp… “Có thể thấy đây là sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức. Con cái giết cha mẹ là phạm một trong thập ác mà người đời nguyền rủa” - GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho biết. Theo ông phân tích, khi cuộc sống phát triển, các dịch vụ hỗ trợ con người phát triển thì các giá trị trong gia đình ngày càng nhạt nhẽo, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, tình cảm giữa cha mẹ - con cái, vợ - chồng, anh - em đôi khi như “ao nước lã”. Những đạo lý như “Công cha như núi Thái Sơn” bỗng chốc bị đạp đổ. 

Thương cho tuổi trẻ

Cùng cái nhìn lo lắng, nhưng nhà tâm lý - giáo dục Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn lại có phần cảm thông với giới trẻ: “Có thể nhận thấy nhiều người đang thiếu hụt nghiêm trọng về nhận thức giá trị sống. Họ không yêu quý cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái. Càng không yêu quý mạng sống của bản thân mình”.

Theo ông Chất, do đua đòi, sống theo bản năng, không ít bạn trẻ đã bộc lộ phần “con” của mình trong lối sống. Họ tranh giành quyền lợi đến mức nếu miếng ăn của mình bị xâm hại, đòi hỏi của mình không được đáp ứng, họ sẵn sàng đánh đập, hạ sát mà không cần biết đến tình máu mủ, nghĩa vợ chồng. Họ chỉ nhìn cái lợi trước mắt, “sống gấp”, “ăn xổi” mà không hề biết mình có gì, mơ ước gì để đưa ra những lựa chọn đúng đắn, biết trân trọng cuộc đời và giá trị bản thân... Hoàn toàn không có mơ ước, chỉ có những “gói xôi”, “miếng thịt” ở trước mắt... Tầm nhìn quá mỏng mà tâm cũng không dày.

“Khi thanh thiếu niên lên mạng chửi ông bà, cha mẹ, tất nhiên, nhân cách của bản thân chúng không lành mạnh, thậm chí gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, cha mẹ, ông bà cũng phải tự hỏi bản thân: “Đã sống như thế nào khiến cho con cháu đối xử như vậy?” - ông Chất đặt câu hỏi.

Theo ông Chất, nhiều người nghĩ rằng cứ đẻ ra, nuôi lớn là đã đủ tư cách làm ông bà, cha mẹ. Họ lấy “quyền sinh” dùng mệnh lệnh, sức mạnh, đồng tiền, bạo lực để ra lệnh, áp đặt con trẻ vào lối sống chúng không mong muốn. Khi con không thực hiện thì trừng phạt bằng sự mắng chửi, mạt sát, đánh đập, cấm đoán. Dạy con, bắt buộc con sống ngoan ngoãn, chỉn chu nhưng chính cha mẹ lại không nêu gương sáng, khiến con thường xuyên chứng kiến những việc làm không hay, không tốt. Con chỉ sợ cha mẹ, coi thường cha mẹ, hậm hực với cha mẹ mà không cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, tin tưởng. “Việc con cái láo hỗn, bất hiếu với cha mẹ là sản phẩm của mối quan hệ nhân quả, chứ không phải “trên giời rơi xuống” - ông Chất nhận xét. 

Cũng theo ông Chất, nếu giáo dục gia đình bằng “sức mạnh” thì tình cảm - sợi dây thiêng gắn kết gia đình sẽ bị lỏng lẻo, đạo gia đình không vững chắc sẽ dẫn đến trẻ em bị mất cân bằng, không phát huy được trí tuệ, cộng với những ức chế, mệt mỏi từ áp lực cuộc sống càng khiến trẻ “phát điên”. Đồng thời, giữa cha mẹ và con cái cũng không còn liên hệ, giao tiếp, khiến cho cha mẹ và con cái không hiểu nhau. Người con sát hại cha mẹ có lẽ đã nuôi dưỡng sự bất bình về cha mẹ đã lâu. Tuy nhiên, không hề có người thân nào hiểu được nhận thức lệch lạc đó, để kịp thời uốn nắn, hàn gắn bằng tình yêu thương. Sự lệch lạc nhận thức đã đẩy đến việc bùng nổ hành vi mất hết tính người. 

Bà Lê Thị Quý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển cũng cho rằng: “Nhiều quan niệm, chuẩn mực  trong gia đình cũng thay đổi chóng mặt. Tuy nhiên, khi các giá trị truyền thống trở nên lỗi thời, không còn thích ứng với cuộc sống thì các giá trị mới lại chưa định hình, chưa phát triển trọn vẹn. Chính vì vậy, mọi người càng lúng túng trong việc hành xử, nhất là đối với việc giáo dục con cái, dạy dỗ về tình người, sống làm gương…”.