“Tự nguyện” làm nạn nhân

ANTĐ - Vì khoản “lợi nhuận” kếch xù, những vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động sẽ vẫn còn tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng buồn là phần lớn người lao động lại tự biến mình thành bị hại.        

Thiếu cảnh giác, người nghèo rất dễ bị lừa xuất khẩu lao động

(Ảnh: phapluat.vn)


Đội lốt doanh nhân

Cuối năm 2011, vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động do Dương Hoài Châu (SN 1961, trú tại phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thái - Việt thực hiện đã khép lại bằng một bản án chung thân. Thế nhưng đến giờ dư âm và hậu quả nặng nề của vụ án thì không biết đến khi nào mới hết.

Sau khi thành lập công ty không lâu, đầu năm 2009, nắm được nhu cầu xuất khẩu lao động, Dương Hoài Châu rêu rao đối tượng có khả năng đưa được người sang Australia làm việc với thu nhập cao, thời hạn từ 3 - 5 năm. Bằng chiêu trò này, Châu đã nhận hồ sơ và 319.000 USD (tương đương hơn 5,6 tỷ đồng) của 16 người dân thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua 7 “mắt xích”. Ngay sau đó, đối tượng đứng ra làm hộ chiếu đưa các lao động sang Indonesia theo con đường du lịch. Tại đây, Châu đã “mượn lại” hộ chiếu của các lao động với lý do để làm thủ tục quá cảnh sang   Australia, nhưng sau đó trốn biệt về nước hưởng thụ “thành quả” lừa đảo. Không giấy tờ tùy thân, không người bảo lãnh, các nạn nhân của Châu bị “đẩy” vào trại tị nạn. 

Tương tự, Nguyễn Hồng Huy (SN 1967, trú ở Bản Đĩnh, xã Canh Nậu, Yên Thế, Bắc Giang) cũng vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của nguyên Giám đốc Công ty CP Hợp tác quốc tế Vinashin châu Á này cũng là hàng chục người có mong muốn sang Hàn Quốc lao động. Theo giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp của Huy chỉ được phép tư vấn xuất khẩu lao động và du học, nhưng Huy và đồng bọn đã đứng ra nhận hồ sơ và thu 140.000 USD cùng 556 triệu đồng của 16 người dân nghèo, sau đó lặn mất tăm.

Không chỉ ở hai vụ án trên mà hầu hết các vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động đều có đặc điểm chung, đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường là những giám đốc, doanh nhân với vỏ bọc “thành đạt”, còn nạn nhân lại luôn là những người dân nghèo cùng cực. Với mong muốn cải thiện cuộc sống bằng con đường xuất khẩu lao động, các bị hại đã không ngần ngại “cắm” cả nhà đất và vay nặng lãi để thực hiện ước mơ. Và đau đớn hơn nữa là gần như họ không thể lấy lại được số tiền đã trót giao cho những tên lừa đảo.    

      
Trăm cái dại tại… không hiểu biết

Mới đây (6-4), đến dự phiên tòa với tư cách bị hại, ông Nguyễn Văn Vẻ (trú ở xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng) không kìm được bức xúc. Trước tòa, ông trình bày giữa năm 2007, gia đình ông được người hàng xóm là bà Nguyễn Thị Hồng Thúy “tỉ tê” cho con đi lao động tại Hàn Quốc sẽ có thu nhập cao. Tin tưởng người hàng xóm, ông Vẻ vay mượn họ hàng được 10.000 USD giao cho bà Thúy để lo cho đứa con trai ra nước ngoài làm việc. Thế nhưng sau hơn một năm chờ đợi, điều mà gia đình ông không hề mong muốn đã xảy đến. Cơ quan công an kết luận, ông chính là một trong gần 40 nạn nhân của vụ lừa đảo xuất khẩu lao động do Trần Văn Dũng (SN 1980, trú ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) - giám đốc một công ty tư nhân cầm đầu.

Khi được HĐXX hỏi về quá trình giao dịch cho con đi xuất khẩu lao động, điều duy nhất mà ông Vẻ bám vào để “tố” đường dây lừa đảo lao động chỉ là do… tin tưởng những lời “đường mật” của bà Thúy. Hôm chị Nguyễn Thị Thắm (ở huyện Đông Hưng, Thái Bình), bị hại nữ duy nhất trong hàng chục nạn nhân của Dương Hoài Châu tham dự phiên tòa cũng vậy. Trước cơ quan xét xử, người phụ nữ này trình bày đúng lúc gia đình đang rất khó khăn thì chị được một người quen làm việc tại Hà Nội tư vấn sang Australia lao động sẽ được “đổi đời”. Tất cả thông tin cũng như mọi thủ tục cho chuyến xuất ngoại, chị đều phó mặc hết cho một đối tượng “tay chân” của Châu. Và hậu quả... 

Từng xét xử nhiều vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động, Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng (TAND TP Hà Nội) nhìn nhận, phần lớn bị hại trong các vụ án này đều thiếu hiểu biết và cả tin, thậm chí là thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình. Bởi chủ trương xuất khẩu lao động của Nhà nước đã có từ hàng chục năm qua, rất công khai, minh bạch. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách lao động, việc làm. Thế nhưng trước khi quyết định cho con em đi xuất khẩu lao động, họ lại không chịu tìm hiểu kỹ lưỡng, thông qua các cơ sở có uy tín mà thường chỉ tin vào những lời hứa hẹn của một số đối tượng “chăn dắt”, “cò mồi”. Và thực tế là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động cũng không có gì “cao siêu”, khiến người khác không thể phòng ngừa hay “lật tẩy”. Cũng theo thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng, xét ở góc độ mỗi vụ án trong loại tội phạm này, đại đa số bị hại cũng có lỗi khi tự đưa mình vào… “tròng” của những kẻ lừa đảo.