Từ năm 2020: Nhiều người già có nguy cơ không được hưởng lương hưu

ANTĐ - Trong khi các quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc như Quỹ đau ốm và thai sản, Quỹ Tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp… đều có xu hướng tăng thu, giảm chi trong vài năm gần đây thì ngược lại, Quỹ hưu trí và tử tuất lại có xu hướng giảm thu, tăng chi. Nguy cơ thâm hụt, thậm chí cạn kiệt Quỹ đã hiển hiện. 

Tăng dần tuổi nghỉ hưu là biện pháp quan trọng để cân đối tài chính cho quỹ hưu trí

Quỹ hưu trí đang thâm hụt

Thống kê của Vụ BHXH- Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện tại chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động ở nước ta tham gia BHXH. Trong khi đó,  do quá trình già hóa dân số ở nước ta diễn ra rất nhanh nên tỷ trọng người già so với người trong độ tuổi lao động cũng tăng đáng kể.

Đáng chú ý, người già lại là những đối tượng được chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu từ quỹ BHXH, vì thế khi số người già chiếm tỷ trọng càng cao thì quỹ lương hưu phải chi trả càng nhiều còn số thu có phần giảm đi. Chẳng hạn như năm 2009, cả nước có 9,3 triệu người đóng góp cho quỹ hưu trí và tử tuất trong tổng số 48,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ này có thể tăng trong thời gian trước mắt khi Việt Nam đang bước vào “thời kỳ dân số vàng” với số người trong độ tuổi lao động chiếm tới 58,5% cơ cấu dân số. Tuy nhiên,  theo tính toán của ngành LĐ-TBXH, với tốc độ già hóa dân số tiếp tục duy trì như hiện nay thì mức tăng số lượng tham gia BHXH trong độ tuổi lao động khó có thể đảm bảo cân đối thu chi cho quỹ hưu trí. 

Chẳng hạn như năm 2011, số thu của Quỹ hưu trí tăng 2,3 lần so với năm 2007 do số người tham gia trong độ tuổi lao động đông hơn, nhưng cũng trong năm này số chi tương ứng từ Quỹ cho các đối tượng được thụ hưởng tăng tới 3,4 lần. Tính chung trong cả giai đoạn từ 2007-2011, tốc độ chi của quỹ hưu trí luôn có tỷ trọng lớn hơn so với tốc độ tăng thu. Cũng có nghĩa, với đà diễn biến này, sẽ có một tỷ trọng lớn dân số không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai. Tại hội thảo về “Cải cách hưu trí và những đề xuất sửa đổi Luật BHXH” diễn ra ở Hà Nội mới đây, ông Carlos Galian, chuyên gia của ILO (Tổ chức lao động quốc tế) tại Việt Nam nhận định, nếu không đưa ra được những “kịch bản” cải cách thích hợp trong thời gian tới, Quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. 

Sửa đổi cách tính lương hưu

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhấn mạnh rằng, Luật BHXH ra đời đã tạo điều kiện cho người lao động cả khu vực chính thức và phi chính thức được tham gia vào Quỹ BHXH, có cơ hội hưởng lương sau khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, Luật BHXH đã thể hiện nhiều điểm còn hạn chế, cần khắc phục, đặc biệt là những bất cập về chế độ hưu trí thể hiện ở độ tuổi về hưu theo quy định là tương đối sớm trong bối cảnh tuổi thọ trung bình được nâng cao và tỷ lệ sinh giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, có sự mất cân đối về lợi ích dành cho nhóm công chức Nhà nước và người làm công ở các doanh nghiệp tư nhân cũng khiến cho tỷ lệ người tham gia BHXH còn hạn chế, quỹ hưu trí và các quỹ phúc lợi, trợ cấp xã hội chưa được đảm bảo chắc chắn. 

 Để giải quyết được bài toán này, ông Carlos Galian, chuyên gia kinh tế của ILO cho rằng, tăng dần tuổi nghỉ hưu chính là biện pháp quan trọng để cân đối tài chính giữa nguồn thu và chi cho quỹ hưu trí, song đây không phải là biện pháp đủ để cải thiện tình hình của quỹ hưu trí tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam cần thiết phải sửa đổi cách tính lương hưu để giảm tỷ lệ chi trả. Đồng thời cần thực hiện một nghiên cứu khác nhằm xác định những biện pháp thay thế hữu hiệu để bảo vệ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức bằng cách kết hợp giữa BHXH tự nguyện và lương hưu xã hội. Lấy ví dụ, theo pháp luật nước ta, người lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều được tham gia BHXH. Trong đó, cán bộ công chức trong khu vực nhà nước được tham gia chế độ BHXH bắt buộc, các công dân khác trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng BHXH bắt buộc thì có thể cho họ tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, nhiều ý kiến chuyên gia trong nước cũng như quốc tế phân tích, để đảm bảo sự bền vững tài chính của quỹ hưu trí thì cần thiết phải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ việc khai báo lương đóng BHXH. Hơn nữa, các chương trình hưu trí tự nguyện cần đóng vai trò bổ sung cho tiền lương hàng tháng hiện tại bằng cách cung cấp các chế độ bổ sung.