Tù mù gửi tiết kiệm - mua bảo hiểm nhân thọ

ANTD.VN - Mô hình liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ mang lại những lợi ích lớn cho cả hai bên nhờ tận dụng được ưu thế của hai loại hình tài chính này. Tuy nhiên thời gian qua, không ít khách hàng đã gặp rắc rối khi mua bảo hiểm tại ngân hàng.

Những năm gần đây, việc hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ ngày càng nở rộ. Theo đó, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều đã ký hợp đồng phân phối với các công ty bảo hiểm ở nhiều cấp độ khác nhau. Thậm chí, không ít ngân hàng còn thành lập các công ty bảo hiểm của riêng mình, chẳng hạn như Vietcombank có VCLI; Agribank có ABIC, VietinBank có Vietinbank Avia và Bảo Ngân; BIDV có Metlife và BIC. 

Tù mù gửi tiết kiệm - mua bảo hiểm nhân thọ ảnh 1Ảnh: Internet

Bức xúc vì bị lừa

Tại chi nhánh một ngân hàng trên Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một banner quảng cáo được đặt ngay cạnh quầy giao dịch về việc tham gia gói tích lũy với số tiền từ 50 triệu đồng/năm sẽ được tặng 1 chỉ vàng.

Tò mò về “gói tích lũy” này, phóng viên được nhân viên ngân hàng tư vấn: “Bình thường khi chị gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì chỉ có phần lãi. Nhưng hàng năm chị trích một phần số lãi đó ra để tham gia gói tích điểm dài hạn này, chị sẽ có thêm quyền lợi y tế cho bản thân hoặc cho các thành viên khác trong gia đình. Nghĩa là chị không chỉ được nhận lãi mà còn được bảo vệ sức khỏe, được chi trả các chi phí khám, nằm viện, điều trị bệnh hiểm nghèo…”.

Khi được hỏi cụ thể về chi tiết số tiền lãi cũng như quyền lợi của gói “tích điểm” này, nhân viên ngân hàng tiếp tục tư vấn: “Về hình thức vì là gói tích điểm nên nó khác với gửi tiết kiệm thông thường. Với gói này, mỗi năm chị đóng thêm một khoản tiền nhất định. Lãi thì sẽ không nhìn thấy ngay như gửi tiết kiệm, mà phải từ năm thứ 10 mới nhìn thấy rõ. Chẳng hạn, chị đóng mỗi năm 50 triệu, sau 10 năm chị đóng vào 600 triệu nhưng tiền chị nhận lại sẽ là khoảng 750 triệu đồng. Thêm vào đó, chị sẽ được hưởng các quyền lợi bảo vệ sức khỏe, chẳng hạn như chị ốm phải nằm viện, ngoài việc được thanh toán tiền khám, tiền thuốc, tiền giường nằm chị còn được thêm 1 triệu đồng/ngày để cầm về”.

Thấy khách hàng băn khoăn vì “nghe giống như mua bảo hiểm nhân thọ”, lúc này nhân viên ngân hàng mới khẳng định: “Vâng, đây là sản phẩm liên kết với ngân hàng, khi chị tham gia tại ngân hàng sẽ được cả ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ chăm sóc trong suốt thời gian đó”.

Dù thực chất là mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng trong quá trình tư vấn cho khách hàng, nhân viên ngân hàng không hề nhắc tới việc mua bảo hiểm. Tù mù, “đánh lận” giữa gửi tiết kiệm và tham gia bảo hiểm nhân thọ là cách được nhiều nhân viên ngân hàng sử dụng khi tư vấn khách hàng mua bảo hiểm. Không chỉ vậy, không ít khách hàng còn bức xúc bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ mà không hề biết. Trường hợp gia đình chị Trang là một ví dụ. 

Chị Trang kể hồi tháng 8-2016, gia đình chị có làm hợp đồng vay tiền thế chấp tại một ngân hàng có chi nhánh trên đường Lý Thường Kiệt. Đến tháng 5-2017, gia đình chị lên làm thủ tục tất toán để kết thúc hợp đồng thì mới phát hiện trong thời gian bố mẹ chị làm thủ tục vay, nhân viên của ngân hàng đã “ép” mua thêm 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Công ty bảo hiểm Prudential. “Chỉ đến khi bên bảo hiểm liên tục gọi điện giục gia đình đóng phí bảo hiểm thì gia đình mới biết bị nhân viên ngân hàng đưa vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mặc dù gia đình không có nhu cầu mua bảo hiểm” - chị Trang chia sẻ.

Về lý do tại sao ký vào hợp đồng bảo hiểm, chị Trang cho biết hôm ngân hàng giải ngân, nhân viên ngân hàng đã làm sẵn một bộ hồ sơ bảo hiểm nhân thọ do người này tự khai và nói bố mẹ chị rằng “cô chú phải ký nốt vào đây mới xong hợp đồng để giải ngân” mà không hề tư vấn về gói bảo hiểm.

Khi gia đình chị nói không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ thì nhân viên này khẳng định “cứ ký rồi hủy bỏ cũng được”. Khi gia đình chị Trang liên hệ với ngân hàng để giải quyết sự việc thì ngân hàng cho biết nhân viên làm thủ tục cho gia đình chị vay và ký hợp đồng bảo hiểm đã nghỉ. Liên hệ lên cấp cao hơn của chi nhánh thì nhận được câu trả lời “không biết, lúc đó gia đình đã ký vào rồi, nếu hủy sẽ mất số tiền đóng ban đầu”.

Tìm mọi cách để ký được hợp đồng 

Việc tù mù, “đánh lận”, không cung cấp đủ thông tin cho khách hàng cùng với sự thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ từ phía khách hàng đã dẫn tới không ít tranh chấp trong quá trình mua bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng. Chị Hoàng Phước Anh, một nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ lâu năm cho biết, thời gian gần đây chị phải hỗ trợ giải đáp thắc mắc và giải quyết cho nhiều khách hàng khi mua bảo hiểm nhân thọ tại các ngân hàng. 

Theo chị Phước Anh, đa phần các trường hợp rắc rối liên quan đến sai sót trong quá trình khai đơn về tình trạng sức khỏe của khách hàng, hay việc nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ tại các ngân hàng không tư vấn đầy đủ về các trường hợp loại trừ thanh toán của bảo hiểm hay thời hạn chờ.

“Phần lớn những người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng là người lớn tuổi, nhận thức về bảo hiểm nhân thọ không nhiều. Trong khi nhiều nhân viên tư vấn bảo hiểm tại ngân hàng bị áp lực doanh số, dẫn đến chỉ muốn nhanh chóng cho hợp đồng được ký nên họ tìm mọi cách để khách hàng ký hợp đồng” - chị Phước Anh cho biết. 

Những năm gần đây, việc hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ ngày càng nở rộ. Theo đó, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều đã ký hợp đồng phân phối với các công ty bảo hiểm ở nhiều cấp độ khác nhau. Thậm chí, không ít ngân hàng còn thành lập các công ty bảo hiểm của riêng mình, chẳng hạn như Vietcombank có VCLI; Agribank có ABIC, VietinBank có Vietinbank Avia và Bảo Ngân; BIDV có Metlife và BIC. 

Lý giải sự bùng nổ này, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên, mà quan trọng nhất là tận dụng được cơ sở dữ liệu về khách hàng lẫn nhau. Theo đó, ngân hàng có thể tối đa hóa tài nguyên, mở rộng nguồn thu thông qua hệ thống hạ tầng và nhân sự sẵn có. Thông qua cung cấp các hợp đồng bảo hiểm, ngân hàng cũng sẽ có được nguồn khách hàng gắn bó lâu dài, vì thông thường một hợp đồng bảo hiểm thường có thời hạn tối thiểu khoảng 10 năm.

Còn với công ty bảo hiểm, phân phối sản phẩm qua kênh ngân hàng cũng mang lại những lợi ích rõ rệt như chi phí phân phối bảo hiểm nhân thọ trên kênh này sẽ thấp hơn so với những kênh truyền thống nhờ tận dụng hệ thống bán lẻ rộng khắp và hạ tầng công nghệ thông tin của ngân hàng. Đồng thời, khách hàng của ngân hàng cũng là đối tượng rất phù hợp đối với các công ty bảo hiểm.

“Đây là xu hướng đang rất phát triển trên thế giới, theo mô hình “one-stop shop”, nghĩa là khách hàng có thể tiếp cận rất nhiều sản phẩm tài chính chỉ tại một chỗ” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ thời gian qua nhiều khách hàng gặp rắc rối khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại các ngân hàng có thể do áp lực doanh số khiến các nhân viên làm công tác bán bảo hiểm tại các ngân hàng tìm mọi cách để ký được hợp đồng. Vì vậy, để tránh rủi ro, khách hàng cần yêu cầu nhân viên tư vấn kỹ về các điều khoản của hợp đồng trước khi ký.

Cũng cho rằng nguyên nhân quan trọng do áp lực doanh số dẫn đến nhiều nhân viên ngân hàng không tư vấn đầy đủ cho khách hàng, nhưng luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico cho rằng trong trường hợp này không ai ép buộc khách hàng phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nên nếu xảy ra rắc rối thì không dễ để “bắt đền” ngân hàng hay công ty bảo hiểm. “Trong trường hợp này nhân viên chỉ tư vấn, tất nhiên họ có thể tư vấn không đầy đủ nhưng trách nhiệm của khách hàng là phải nghĩ kỹ, xem xét kỹ trước khi ký vì các quy định về điều khoản chi trả đều nêu rõ trong hợp đồng” - luật sư Trương Thanh Đức nói.

Trong khi đó, một cán bộ tư vấn lâu năm của một công ty bảo hiểm cho biết, không chỉ khách hàng mua bảo hiểm tại các ngân hàng mà ở Việt Nam, khách hàng thường xuyên gặp rắc rối khi mua bảo hiểm nhân thọ do kiến thức, kỹ năng cũng như trách nhiệm của nhân viên tư vấn hạn chế. “Ở nước ngoài, để bán bảo hiểm nhân thọ phải được đào tạo bài bản các chuyên ngành như bảo hiểm, kế toán, tài chính… nhưng ở Việt Nam ai cũng đi bán được, từ những cán bộ về hưu, bà nội trợ đến các bạn sinh viên… Trong khi đó, bản thân nhiều khách hàng ở Việt Nam cũng có tâm lý trục lợi bảo hiểm” - cán bộ này cho biết.