“Tù mù” giá đền bù

ANTĐ - Khiếu kiện về đất đai là “mầm mống gây mất ổn định chính trị, xã hội”, Thủ tướng Chính phủ nhận định như vậy về thực trạng rắc rối, phức tạp và căng thẳng kéo dài trong lĩnh vực đất đai diễn ra trên khắp cả nước. Hồi tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức một hội nghị có quy mô lớn nhằm tìm hướng giải quyết căn cơ vấn đề bức xúc này. Sau nhiều tháng giám sát 21 tỉnh, thành phố về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân, các thành viên trong đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nút thắt cần tháo gỡ là tiền đền bù.

Trước khi bàn tới chuyện tiền đền bù, một vấn đề cốt lõi được rút ra là, chính quyền phải nhiệt tình “xắn tay” vào cuộc. Làm đúng quy trình, công khai và công tâm thì khó xảy ra khiếu kiện. Để làm được như vậy, chính quyền phải có trong tay nhiều dữ liệu, dựa trên hồ sơ, bản đồ địa phương, hỏi người dân sống lâu năm rồi cùng nhau thương lượng để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định rằng, từ kinh nghiệm ở địa phương cho thấy, không việc gì là không thể giải quyết nếu có sự đồng thuận của người dân với hệ thống chính trị. Muốn có được sự đồng thuận, chính quyền phải cầu thị để chính quyền nói, dân thực hiện và dân nói, chính quyền nghe. Chính quyền không xa rời dân, để dân thấy gắn bó với chính quyền, tin ở chính quyền.

Đặc biệt, người dân chỉ cảm thấy yên tâm khi mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình được thu hồi có lợi không chỉ cho cuộc sống của họ hiện tại mà cho cả con cháu đời sau. Tiền Giang, một trong những địa phương có các vụ khiếu nại, tố cáo của người dân diễn ra gay gắt, phức tạp, 70% đơn là về chính sách bồi thường, đền bù đất đai. Phân tích nguyên nhân, UBND tỉnh thừa nhận rằng, cấp ủy và chính quyền cơ sở không ít nơi ngại xử lý cấp dưới hoặc nương nhẹ với người làm sai hoặc né tránh, đùn đẩy cho người dân khiến người khiếu kiện không tin tưởng, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định, vấn đề nằm ở sự bất hợp lý trong chính sách về đất đai. Người “đeo miết” đòi phải tính giá bồi thường cho họ theo giá thị trường vì cho rằng mình bị áp giá thấp, trong khi đó cơ quan chuyên môn rất khó xác định giá thị trường vì trong tay không có hướng dẫn về phương pháp, quy trình xác định. Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Luật Đất đai trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, bảng công bố giá đất tại các địa phương chỉ bằng 30 - 36% giá thị trường. Mức cao nhất trong bảng giá đất tại Hà Nội và TP.HCM là 81 triệu đồng/m2, trong khi giá chuyển nhượng trên thị trường là hàng trăm triệu đồng/m2. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, nêu rõ “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội cũng như nhiều ý kiến đều đặt câu hỏi: Giá thế nào được gọi là phù hợp? Nguyên tắc nào để định giá phù hợp? Thế nào là phù hợp với giá thị trường? Rõ ràng đây là quy định rất mơ hồ, thiếu cơ sở.

Nói là căn cứ nguyên tắc thị trường nhưng không xác định được đâu là giá thị trường và giá ở thời điểm nào thì chẳng khác nào căn cứ vào cái mơ hồ. Còn “tù mù” giá đền bù thì khó có thể giảm tải khiếu kiện và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.