Tù mù dây điện thật, giả

(ANTĐ) - Báo ANTĐ ra ngày 28-3 có bài viết phản ánh nguy cơ từ dây điện giả và cả những khó khăn trong công tác xử lý. Tuy nhiên, có một vấn đề mà các nhà sản xuất và lực lượng chức năng lúng túng không kém, là biện pháp triệt tận gốc thủ đoạn sản xuất dây điện giả.

Tù mù dây điện thật, giả

(ANTĐ) - Báo ANTĐ ra ngày 28-3 có bài viết phản ánh nguy cơ từ dây điện giả và cả những khó khăn trong công tác xử lý. Tuy nhiên, có một vấn đề mà các nhà sản xuất và lực lượng chức năng lúng túng không kém, là biện pháp triệt tận gốc thủ đoạn sản xuất dây điện giả.

Cần lựa chọn kỹ trước khi mua dây điện trên thị trường

Cần lựa chọn kỹ trước khi mua dây điện trên thị trường

Rút ruột… dây điện

“Con số 10 vụ sản xuất, buôn bán dây điện giả mà chúng tôi phát hiện, xử lý từ năm 2007 đến nay thực sự mới chỉ là phần ngọn của vấn đề, chỉ phản ánh được phần nào những phức tạp trên thị trường dây điện”, một cán bộ Đội Chống hàng giả - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội thẳng thắn.

Số liệu mà cơ quan quản lý đang nắm hiện nay, “hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dây, cáp điện trên địa bàn thành phố”, tạm coi đó là những doanh nghiệp làm ăn chân chính, doanh nghiệp tồn tại bằng thương hiệu của mình. Song cùng với đó còn một thị trường dây điện “bình dân” do những xưởng gia công tư nhân sản xuất.

Sản phẩm của những doanh nghiệp “bình dân” này ưu điểm lớn nhất là giá cả, thứ hai là “na ná” hàng thật về mẫu mã, tên gọi. Nhược điểm của sản phẩm bình dân thường “xốp” và mềm hơn. Thậm chí, có loại dây điện chỉ cần dùng tay cấu mạnh đã… rách vỏ.

Minh chứng cho sự gian lận này là sản phẩm dây điện “Thịnh Cường” từng bị lực lượng CSKT Công an Hà Nội xử lý. Hôm kiểm tra trụ sở “Thịnh Cường” tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, lực lượng chức năng phát hiện tại đây làm nhiều chủng loại dây điện khác nhau, trong đó có loại dây gia dụng 2x1,5mm.

Tổng cộng, lực lượng chức năng thu giữ 510 cuộn dây điện, mỗi cuộn chiều dài 100 mét. Kết quả giám định sau này đã làm rõ những sai phạm của sản phẩm “Thịnh Cường”. Quy định sản phẩm phải có 60 sợi đồng trong 2 sợi dây đôi, nhưng dây điện “Thịnh Cường” bên trong chỉ có 32 sợi. Vỏ nhựa của loại dây này cũng không đảm bảo độ chống cháy.

Một thời gian ngắn sau vụ việc trên, lực lượng công an và quản lý thị trường đã lật tẩy hành vi gian dối của Công ty TNHH Hạnh Tường, địa chỉ tại quận Hoàng Mai. Hơn 300 cuộn dây điện bị thu giữ đều sai so với chất lượng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật mà doanh nghiệp công bố.

Loại bỏ dây điện giả - không dễ

Nguy cơ, hệ lụy từ dây điện giả là điều ai cũng có thể hình dung được. Nhưng việc truy tận gốc, xử lý triệt để cái “nạn” này lại không đơn giản. “Dây điện để tiêu thụ trên thị trường đều phải có quy chuẩn. Quy chuẩn ấy do doanh nghiệp tự công bố theo tiêu chí cơ quan quản lý đưa ra, và phải đáp ứng đủ các yếu tố an toàn. Nhưng thực tế, việc doanh nghiệp thực hiện quy chuẩn ấy thế nào thì  rất ít cơ quan giám sát được”, chỉ huy Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết.

Những chi tiết vỏ nhựa của dây điện kém chất lượng, hay việc gian lận, ăn bớt số lượng dây đồng trong lõi, nếu cơ quan chức năng không kiểm tra, ngăn chặn ngay từ nơi sản xuất, thì khi đến tay người tiêu dùng sẽ rất khó để phát hiện. Vỏ dây, theo nguyên tắc phải được làm bằng nhựa PVC. Nhưng khi cơ sở cố tình sử dụng nhựa tái chế, pha bột đá vào để hạ giá thành, dễ mấy cơ quan nào “bắt được tận tay, day tận trán”.

Tệ hại hơn, người tiêu dùng khó nhận biết về tỷ lệ đồng, pha thêm sắt vào lõi, hoặc làm từ đồng phế phẩm, công nghệ sản xuất kém. Điều này khiến không chỉ khả năng truyền dẫn điện kém, mà còn dễ gây sự cố trong quá trình sử dụng.

Theo quy định hiện hành, có 3 lực lượng đủ thẩm quyền và chức năng để phát hiện, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh dây điện giả, kém chất lượng. Đó là công an, quản lý thị trường và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Với lực lượng công an, quản lý thị trường, công tác kiểm tra có thể tiến hành khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn. Nhưng thực tế, dây điện chỉ là “mảng” nhỏ trong khối lượng công việc đồ sộ của hai lực lượng này.

Còn với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công tác kiểm tra có thể tiến hành với mọi doanh nghiệp, với điều kiện chỉ kiểm tra định kỳ và phải... thông báo trước cho cơ sở sản xuất. Thế nên chẳng có gì lạ, chi cục này rất ít phát hiện, xử lý được về vi phạm lõi dây điện của doanh nghiệp.

Đã vậy, theo thông tin của đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, từ đầu năm 2008, một quy định mới áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất dây điện là không phải làm thủ tục công bố chất lượng sản phẩm ở các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, mà chỉ cần niêm yết trực tiếp trên sản phẩm.

Quy định mới này rõ ràng “thoáng” cho các doanh nghiệp, nhưng đối với cơ quan quản lý, họ sẽ gặp khó khăn trong riêng việc nắm bắt chính xác số lượng những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực dây điện, chứ chưa nói đến “quản” được chất lượng các sản phẩm.

Hoàng Quân