Từ mái đình  Mông Phụ đến khí tiết sứ thần nước Việt

ANTD.VN - Tôi về thăm đình Mông Phụ ở Đường Lâm, Sơn Tây vào một ngày đẹp trời, sân đình chang chang nắng với màu đỏ của gạch Bát Tràng. Ghé vào một quán nước ngay trước cổng đình uống một bát nước vối, tình cờ tôi lại được nghe rất nhiều câu chuyện kể về ngôi đình đẹp và cổ kính vào thuộc loại nhất nhì xứ Đoài.

Đình Mông Phụ ở thôn Yên Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, một vùng đất mà có lẽ cả nước biết tiếng. Đây là vùng đất đã sinh ra hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử là Ngô Quyền và Phùng Hưng. Chưa hết, nơi đây còn sở hữu một nền văn hóa đá ong đặc sắc cùng nhiều ngôi nhà cổ hiện vẫn được bảo tồn.

Đất linh thiêng sinh hào kiệt

Đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1553, một trong những ngôi đình có niên đại rất lâu ở miền Bắc. Điểm khác biệt về địa thế giữa chùa, đền, đình là chùa và đền thường chọn những nơi nẻo khuất, thanh vắng để xây, trong khi đình thường được dựng ở những vị trí trung tâm, bằng phẳng rộng rãi của cộng đồng bởi chức năng của nó là nơi sinh hoạt chung. Đình Mông Phụ cũng vậy, nó được dựng ở vị trí trung tâm của làng Mông Phụ xưa trên một khu đất bằng phẳng. Điểm thú vị nữa là ngôi đình này không có ván bưng các mặt mà hoàn toàn để trống, nghĩa là một không gian hoàn toàn mở đúng như nghĩa của nó. Ta có thể nhận thấy rõ sự khác biệt này khi so sánh đình Mông Phụ với các ngôi đình cổ nổi tiếng khác, ví dụ đình Bảng ở Bắc Ninh, đình Trà Cổ ở Móng Cái (Quảng Ninh)…

Mái đình Mông Phụ giống một cánh buồm nhưng lại hạ rất võng. Khi ngồi ở dãy “hữu mạc” (nhà bên phải) của đình, tôi bỗng giật mình, nhìn chênh chếch, đình nghiêng xuống rất thấp như sắp đổ. Nhưng có thể đó có thể chỉ là ảo ảnh của trời nắng vì ngôi đình lịch sử mấy trăm năm này hiện giờ vẫn vững chãi với thời gian.

Điều khác biệt nữa của đình Mông Phụ nữa là sàn gỗ hoàn toàn bằng nhau không có bậc phân thứ hạng cao thấp như kiểu đình Bảng và những ngôi đình khác. Có phải đây là kiểu dân chủ ở làng xã ngày xưa khi không phân thứ hạng cao thấp làm căn cứ xếp vị trí chỗ ngồi? Những cây cột gỗ lim trong đình hàng trăm năm tuổi đã mốc thếch với thời gian và dường như vẫn còn bền tốt được nhiều năm nữa. Tôi ngắm một cái mõ rất độc đáo được treo ở trong đình. Đó là một cây gỗ được khoét rỗng có hình con cá, mỗi khi cần mọi người tụ họp thì người ta sẽ gõ vào con cá gỗ này để gây sự chú ý.

Tôi uống một bát nước vối, ăn đôi cái bánh tẻ đặc sản của vùng Sơn Tây và một khúc chè lam. Những món này tôi vẫn thường ăn, nhưng dường như khi thưởng thức những đặc sản ngay trước ngôi đình cổ, lại được một người đàn bà bán hàng kể chuyện thì món ăn càng thêm hấp dẫn. Người đàn bà ấy kể cho tôi rất nhiều chuyện thú vị về ngôi đình. Rằng xung quanh khu vực đình Mông Phụ là vùng đất linh thiêng, đời nào cũng sinh ra anh kiệt nổi tiếng như Giang Văn Minh, Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn…

Chuyện kể vị sứ thần bất khuất

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi trò chuyện với một người đàn bà rất am hiểu lịch sử thì cuối cùng mới vỡ lẽ, bà vốn là cháu ngoại xa của vị Thám hoa nổi tiếng Giang Văn Minh (1573-1638). Ông đỗ kì thi năm 1628, làm quan đến chức Thái bộc phụ khanh và được cử làm Chánh sứ thay mặt vua đi sang Trung Quốc. Vua quan phương Bắc hống hách không đáp ứng những yêu cầu ngoại giao của Đại Việt, thậm chí Hoàng đế nhà Minh khi đó là Chu Do Kiểm còn ra một câu đối nhằm hăm dọa sứ thần nước Việt. Câu đối ấy là: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến giờ đã xanh vì rêu). Câu đối này ám chỉ việc Mã Viện (thời Hán) khi chinh phạt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đóng một cột đồng ở biên giới hàm ý răn đe nước Việt. Giang Văn Minh nghe thấy thế đã khẳng khái đáp lại rằng: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa vẫn đỏ vì máu). Hàm ý của Giang Văn Minh muốn nhắc nhở Hoàng đế nhà Minh về 3 lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc ngay trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử của quân dân Đại Việt. Vua nhà Minh nghe câu đối ấy vô cùng tức giận đã cho tra tấn tàn bạo vị sứ giả rồi giết ông và mổ bụng để xem to gan lớn mật đến thế nào.

Dù giết Giang Văn Minh nhưng người phương Bắc vẫn vô cùng nể phục. Họ ướp xác ông bằng thủy ngân cho khỏi hỏng và đưa trở về nước Việt. Khi xác ông về tới Thăng Long, vua Lê, chúa Trịnh đã vô cùng thương tiếc, truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công và tặng câu đối: Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ). Giang Văn Minh được an táng tại làng Đường Lâm. 

Theo lời chỉ dẫn của người đàn bà bán hàng nước, tôi vào thăm nơi thờ vị sứ thần dũng cảm vốn chỉ cách đình Mông Phụ một quãng ngắn. Nơi thờ tự được xây trên nền chính ngôi nhà của vị Thám hoa năm xưa. Thắp nén hương cung kính người thiên cổ, tôi bỗng dưng mường tượng ra quang cảnh vị sứ thần nước Việt với nhuệ khí can trường đã đối diện với sự bạo liệt của triều thần phương Bắc. Chúng ta rất cần những người mạnh mẽ như Giang Văn Minh để Tổ quốc không bao giờ nao núng trước những thế lực xâm lăng bạo tàn.

Quay lại quán nước của người đàn bà mau chuyện, tôi lại nghe những âm điệu đặc sệt vùng Sơn Tây, Ba Vì. Bà kể thêm về vị trí thủ từ trông coi đình Mông Phụ. Yêu cầu khá khắt khe, đó là làm thủ từ chỉ dành cho nam giới trưởng thành, họ phải có vợ con đề huề, gia đình trong năm qua không có tang và “nhiệm kỳ” chỉ được làm trong 1 năm. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cho những người được chọn để gìn giữ và phát huy giá trị di sản quý giá của tổ tiên để lại. Và không chỉ người đàn bà quán nước thông thạo về lịch sử ngôi làng của mình, còn nhiều người dân làng khi tôi hỏi thăm đều có những hiểu biết nhất định về quê hương, đó chẳng phải điều rất đáng quý hay sao.

Bâng khuâng những giai thoại truyền đời

Tôi quay lại ngôi đình cổ và kính cẩn trước vị thần chủ của ngôi đình cũng là thành hoàng làng của địa phương: thánh Tản Viên. Từ tấm bé ai mà không nghe câu chuyện về Sơn Tinh, Thủy Tinh và nàng công chúa Mị Nương của vua Hùng. Thánh Tản Viên chính là vị thần trong truyền thuyết và có rất nhiều những câu chuyện, những phiên bản về hành trạng của ngài. Và đặc biệt, trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt tôn vinh “Tứ bất tử” thì Tản Viên Sơn là người đứng đầu trong “Tứ bất tử” lừng danh đó.

Vùng Sơn Tây xứ Đoài rất gần với dãy núi Ba Vì, nơi thánh Tản Viên ở. Nghe những giai thoại về vị thánh bất tử trong không gian cổ kính của ngôi đình xưa, lòng bỗng nao nao một cảm giác bâng khuâng. Những sinh hoạt tín ngưỡng ở những vùng nông thôn xa xưa của nước Việt được truyền từ đời này qua đời khác. Và lúc nào dân làng cũng sẵn sàng kể cho du khách nghe những huyền thoại, những tích chuyện về quê hương mình như một niềm tự hào không bao giờ phai.

Mái đình Mông Phụ giống một cánh buồm nhưng lại hạ rất võng. Ngôi đình lịch sử mấy trăm năm này hiện giờ vẫn vững chãi với thời gian.