Những bảo vật quốc gia

Tư liệu vô giá về hệ thống hành chính thời phong kiến: Môn hạ sảnh ấn

ANTĐ - Trong số hiện vật ấn chương còn lưu giữ được tới ngày nay, thì quả ấn đồng có tên Môn hạ sảnh ấn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam được coi là quả ấn đồng cổ nhất có niên đại rõ ràng nhất ở nước ta. 

Môn hạ sảnh ấn có núm ấn làm theo hình bia đá, cao 8cm, phần đế ấn là 7,3cm, núm cầm trên rộng 3,7cm và dày 1,2cm. Mắt ấn có hai dòng chữ Hán, bên phải chiếc ấn được ghi bốn chữ Môn hạ sảnh ấn, bên trái là dòng chữ Hán Long Khánh ngũ niên ngũ nguyệt thập nhị tam thập nhật tảo, mặt dấu hình vuông có kích thước 7,3cm văn khắc mặt dấu là 4 chữ Triện, nét khắc uốn nhiều lần, đó là 4 chữ Môn hạ sảnh ấn.

Những thông tin đó cho ta thấy đây là chiếc ấn của “Môn hạ sảnh” một trong ba cơ quan cao nhất của triều đình phong kiến thời Trần (Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh và Môn hạ sảnh). Ấn được đúc vào ngày 23 tháng 5 năm Long khánh thứ 5 đời Trần Duệ Tông (1377) và được dùng đóng trên những văn bản hành chính quan trọng từ thời Trần Phế Đế về sau.

Những nghiên cứu đã chỉ rõ, nhà Trần xếp đặt quan chức chủ yếu dựa vào phép đặt quan của nhà Lý, đồng thời có tham bác và mô phỏng theo quan chức chế của nhà Đường - Tống của Trung Quốc. Trong đó Môn hạ sảnh là cơ quan thân cận của nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc nghi lễ trong cung. Chức quan ở Môn hạ sảnh thời Trần đều do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm, thường giữ chức hành khiển. Việc nghiên cứu chiếc ấn đồng giúp ta biết được tổ chức hành chính quan chế thời kỳ Trần - Lê. Qua đó hiểu thêm về hệ thống hành chính trong triều đình phong kiến Việt Nam xưa kia. Chiếc ấn đồng không chỉ quý giá vì là một hiện vật độc bản mà còn là nguồn sử liệu quý giá để nghiên cứu về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc.