Từ hôm nay (1-12), thực hiện quy định mới nhất về tổ chức, thành lập quỹ từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Từ 1-12, người lao động tố cáo không bị trả thù, trù dập; việc thành lập quỹ từ thiện phải có điều lệ hoạt động. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra không được cản trở hoạt động kinh doanh của cá nhân...

Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.

Thông tư nêu rõ, người lao động tố cáo được đảm bảo không bị phân biệt đối xử về việc làm; không bị trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người tố cáo;

Người sử dụng lao động phải thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người tố cáo là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền…

Thông tư 04/2020/TT-BNVcủa Bộ Nội vụ Hướng dẫn Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định, hồ sơ thông báo việc thành lập pháp nhân trực thuộc quỹ gồm: Quyết định thành lập pháp nhân (bản chính) và bản sao Giấy phép hoạt động; Bản sao các tài liệu: điều lệ hoặc quy chế, quy định về tổ chức, hoạt động của pháp nhân; quyết định bổ nhiệm người đứng đầu pháp nhân.

Như vậy, Thông tư mới đã bổ sung thêm các loại giấy tờ gồm bản sao Giấy phép hoạt động, điều lệ và không còn bắt buộc có các nội dung: Tên, địa chỉ trụ sở chính, phạm vi, lĩnh vực hoạt động pháp nhân….

Từ 1/12, quy định mới về việc thành lập quỹ từ thiện bắt đầu có hiệu lực (ảnh minh họa)

Từ 1/12, quy định mới về việc thành lập quỹ từ thiện bắt đầu có hiệu lực (ảnh minh họa)

Thông tư 27/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương nêu rõ các nguyên tắc hoạt động của quản lý thị trường gồm:

Có căn cứ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời, không phân biệt đối xử, không làm cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Tuân thủ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Quản lý thị trường và quy định tại Thông tư này;

Việc ứng dụng công nghệ thông tin khi kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phải bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả.

Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, từ 1-12, thành lập đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền. Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trừ trường hợp để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.