- Quốc hội thông qua quy định mới nhất về tuổi nghỉ hưu, nâng lương trước hạn với sỹ quan Quân đội
- ĐBQH: Tăng tuổi nghỉ hưu của sỹ quan quân đội là phù hợp, cần thiết
Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ 1-12. Theo đó, tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (tuổi nghỉ hưu) với sĩ quan theo bậc quân hàm sẽ tăng từ 1-5 tuổi so với quy định trước đây.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của cấp úy là 50 tuổi; thiếu tá 52; trung tá 54; thượng tá 56; đại tá 58 và cấp tướng 60 tuổi.
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện, có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Quốc phòng.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định chi tiết các điều kiện đối với trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước. Theo đó, từ 25-12, các tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân.
Trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Cũng theo Nghị định 147/2024, chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Nghị định 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (quỹ), có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2024.
Theo Nghị định này, từ 10-12, quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cộng đồng, từ thiện, nhân đạo.
Về xử lý vi phạm, Nghị định nêu rõ, người nào vi phạm về việc thành lập quỹ, lợi dụng danh nghĩa quỹ để tổ chức, hoạt động trái pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thành lập quỹ và quản lý tổ chức, hoạt động của quỹ trái với quy định của nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới có hiệu lực từ 1-12.
Về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới, Nghị định quy định 3 phương thức thanh toán gồm: Thanh toán qua ngân hàng; thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng) và thanh toán bằng tiền mặt.
Tuy vậy, phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ được áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Ngoài nội dung trên, Nghị định 122/2024/NĐ-CP còn nêu rõ, hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.