Từ hạt gạo “làng ta”

ANTĐ - Khoảng 2 tháng gần đây, phía Trung Quốc đã cấm biên với gạo xuất khẩu tiểu ngạch, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam tồn đọng hàng chục nghìn tấn gạo và hàng nghìn tấn đường. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch đang điêu đứng thì gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc vẫn bình thường. 

Nhiều năm trước, Trung Quốc chỉ cấm biên vài ngày rồi mở lại, năm nay họ cấm biên hàng tháng trời. Thông thường, nếu gạo xuất đi đường chính ngạch, phía đầu nậu Trung Quốc phải chịu thuế rất cao, vì thế họ chuyển về cửa khẩu phụ, sử dụng chính sách biên mậu để đón hàng cho đỡ chi phí. Tuy vậy, gần đây, gạo qua cửa khẩu phụ bị Trung Quốc kiểm soát rất gắt gao và bị coi là hàng lậu.

Thực tế là, các doanh  nghiệp bao biên của Trung Quốc trốn qua đường tiểu ngạch với số lượng lớn, cơ quan chức năng của họ không thu được thuế nên càng siết chặt hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, trước đây gạo xuất tiểu ngạch có thể đi qua đường Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Hiện nay, chỉ còn một vài lối đi qua Lào Cai nhưng cũng bị “bế quan tỏa cảng”. Trong khi đó, cửa khẩu chính vẫn xuất hàng bình thường, từ đầu năm đến nay đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn, song doanh nghiệp nước ta không mấy mặn mà. Liệu phía họ cấm gạo tiểu ngạch có ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của nước ta, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, sẽ không ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu gạo, vì thị trường Philippines, Indonesia đang có nhu cầu lớn, giá gạo xuất khẩu tốt, nên không lo ngại gạo tồn kho trong nước. Dẫu vậy, từ chuyện Trung Quốc cấm nhập gạo tiểu ngạch, các doanh nghiệp nước ta cần “tỉnh táo” nhìn ra  con đường tiểu ngạch ẩn chứa nhiều rủi ro. 

Từ hạt gạo “làng ta” có thể nhìn ra những hàng hóa nông sản khác, đi theo lối mòn tiểu ngạch phải trả giá đắt như thế nào. Rõ ràng nhất là việc xuất thanh long sang Trung Quốc. Thế nhưng, con đường này đang bị tắc nghẽn, bởi những đòi hỏi rất khắt khe và trái khoáy của Trung Quốc. Hơn thế, hiện nay không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước trong khu vực cũng trồng được loại trái cây này với chất lượng, mẫu mã cao hơn.