Tự hào về “ngôi nhà chung”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ở “ngôi nhà” An ninh Thủ đô mới tròn 10 năm, thời gian so với các phóng viên khác tuy chưa phải là dài, nhưng qua tiếp xúc, trao đổi trong công việc và cuộc sống giữa các đồng chí, đồng nghiệp đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Đó là sự kỷ luật, kỷ cương, có trên, có dưới, song cũng rất ấm áp, chan hòa như những thành viên trong một gia đình.
Đại tá Đào Lê Bình, nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô tặng quà cán bộ và ngư dân huyện đảo Lý Sơn năm 2014

Đại tá Đào Lê Bình, nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô tặng quà cán bộ và ngư dân huyện đảo Lý Sơn năm 2014

“Nên duyên” từ cuộc điện thoại

Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học báo chí, Báo An ninh Thủ đô khi ấy dường như là ước mơ được làm việc khi ra trường của mỗi sinh viên. Với tôi cũng vậy, dù ngưỡng mộ tờ báo này nhưng “duyên” chỉ đến sau 10 năm ra trường.

Khoảng đầu năm 2011, khi tôi đang công tác tại Truyền hình An ninh Thủ đô, thuộc Phòng Công tác chính trị, Công an TP Hà Nội thì nhận được một cuộc điện thoại từ một số rất lạ. Thật bất ngờ khi ở đầu dây bên kia là đồng chí Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô - Đại tá Đào Lê Bình. Phải nói thêm rằng, hồi còn học đại học, trường tôi thường tổ chức những buổi nói chuyện thời sự. Khách mời là những chuyên viên của Ban Tuyên giáo Trung ương và các nhà báo nổi tiếng. Qua những buổi giao lưu nói chuyện như vậy, tôi ấn tượng nhất là nhà báo Đào Lê Bình.

Khi trao đổi nghiệp vụ báo chí hay quản lý báo chí với giáo viên, sinh viên, ông rất thẳng thắn, ngôn ngữ ngắn gọn, xúc tích, có tính thực tế và lý luận nhưng cũng rất dí dỏm, hài hước, khiến cuộc nói chuyện trở nên sôi nổi và có sức cuốn hút người nghe… Nay được trực tiếp nói chuyện với người mình ngưỡng mộ thì quả thực là một vinh dự với tôi khi ấy. Cuộc trò chuyện qua điện thoại với Đại tá Đào Lê Bình tuy không dài nhưng chứa đủ thông tin về một công việc mới. Với tôi, có thể là một thử thách mới trong nghề báo đang chờ đón. Sau cuộc điện thoại đó, chỉ một tuần sau, tôi trở thành phóng viên của Báo An ninh Thủ đô và công tác tại Truyền hình An ninh ATV.

Phóng viên trao đổi với người dân bị ảnh hưởng lũ lụt ở tỉnh Quảng Bình, năm 2011

Phóng viên trao đổi với người dân bị ảnh hưởng lũ lụt ở tỉnh Quảng Bình, năm 2011

Trưởng thành từ môi trường báo chí chuyên nghiệp

Sang môi trường báo chí chuyên nghiệp như An ninh Thủ đô, bước đầu tôi không khỏi bỡ ngỡ, bởi cách làm việc, xử lý thông tin, cách thể hiện tin, bài… - tất cả đều phải đòi hỏi mới - lạ - nhanh - tính thời sự cao. Nếu như trước kia, tôi chỉ đơn thuần xây dựng kịch bản cho truyền hình, thì ở An ninh Thủ đô, với mô hình tòa soạn hội tụ “3 trong 1”, phóng viên phải làm tất cả khi tác nghiệp một sự kiện, một vấn đề. Trong đó, việc đầu tiên của phóng viên là viết tin cho Báo An ninh Thủ đô điện tử, thứ hai là báo in, sau đó mới tới truyền hình, thậm chí có những vụ việc, phóng viên kiêm luôn cả nhiệm vụ quay phim và chụp ảnh. Vì vậy, không quá lời khi nói An ninh Thủ đô có những phóng viên chuyên nghiệp giống như báo chí phương Tây hiện nay đang làm.

Với một phóng viên truyền hình như tôi, ở cơ quan cũ vốn quen làm chuyên đề, cách tiếp cận, xử lý thông tin thường không vội vàng, chậm chắc, khai thác có chiều sâu, nên vào môi trường mới, bản thân cũng phải thay đổi để theo guồng, dù thời gian đầu có những khó khăn.

Tôi vẫn nhớ như in, khi mới chân ướt, chân ráo về công tác tại Báo An ninh Thủ đô, đang tập làm quen với cách làm việc của tờ báo, thì được cử đi công tác 15 ngày tại các tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM cùng các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã, CATP Hà Nội. Nhận nhiệm vụ được giao là vừa viết bài cho báo giấy vừa làm truyền hình, bản thân hơi lo lắng, vì đây là lần đầu tiên đi công tác xa, một mình phải tác nghiệp 3 công việc của công tác phóng viên.

Tuy nhiên, sự lo lắng nhanh chóng qua đi, tôi đã xây dựng kế hoạch tác nghiệp rất cụ thể và chi tiết, bám sát với từng nội dung công tác của đoàn, đồng thời sắp xếp thời gian tranh thủ những lúc di chuyển trên đường và nghỉ ngơi để trao đổi với các trinh sát lấy thêm thông tin phục vụ bài viết theo kế hoạch đã vạch sẵn. Kết quả là sau chuyến công tác đó, tôi đã xây dựng và hoàn thiện được một phóng sự truyền hình 15 phút và viết 5 kỳ báo in. Các tác phẩm đều được đánh giá chất lượng cao, có sự đầu tư kỹ lưỡng và rất thực tế, phản ánh sinh động được sự vất vả, gian nan của các trinh sát truy nã tội phạm, đồng thời thể hiện được rõ nét hiệu quả về việc tuyên truyền, vận động các đối tượng có Lệnh truy nã ra đầu thú để nhận sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật.

Nhà báo Phạm Quỳnh

Nhà báo Phạm Quỳnh

Một chuyến công tác nữa cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, đó là theo chân đoàn công tác xã hội của Báo An ninh Thủ đô đến với ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi giữa những ngày hè nóng bức năm 2014. Khi ấy, Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông, gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Nhằm chung tay cùng quân và dân huyện đảo Lý Sơn bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bạn đọc của Báo An ninh Thủ đô và các tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ 10.000 lít dầu để ngư dân vươn khơi bám biển. Dẫn đầu đoàn công tác An ninh Thủ đô lúc ấy là Đại tá Đào Lê Bình. Chỉ sau một ngày, đoàn công tác đã có mặt tại huyện đảo Lý Sơn trong cái nắng gay gắt của mùa hè. Những cái bắt tay thật chặt, những lời động viên chân tình của đoàn công tác dường như đã tiếp thêm sức mạnh để ngư dân nơi đây vững chắc tay chèo… Tất cả hình ảnh đó được tôi phản ánh sinh động trên cả 2 loại hình báo điện tử và truyền hình.

Đến bây giờ, tôi không thể nhớ hết những chuyến công tác và các tin bài mình đã viết, nhưng tôi cảm nhận rằng, mỗi chuyến đi, bản thân có thêm những trải nghiệm, đặc biệt được tôi luyện trong môi trường công tác chuyên nghiệp như An ninh Thủ đô đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ công tác phóng viên, mà bản thân thấy tự tin hơn trong công việc cũng như được Ban Biên tập giao nhiệm vụ, công việc mới.

Ấm áp như trong gia đình

Có một điều rất dễ cảm nhận ở An ninh Thủ đô đó là sự tử tế. May mắn được làm việc ở An ninh Thủ đô, được cảm nhận sự tử tế đó, tôi và các cán bộ, phóng viên, biên tập viên hôm nay hiểu rằng, để làm nên một thương hiệu, đó là sự đóng góp của nhiều thế hệ đi trước và cả sự rèn rũa, tôi luyện từ mỗi phóng viên, biên tập viên.

Để có nền nếp như vậy, kỷ luật, kỷ cương luôn được báo An ninh Thủ đô coi trọng làm đầu nhưng không vì thế mà mọi việc trở nên cứng nhắc, nguyên tắc. Những nỗ lực, cố gắng được biểu dương, động viên khen thưởng, mọi sai sót, hạn chế đều được chấn chỉnh kịp thời để phóng viên khắc phục khuyết điểm và phát huy ưu điểm, thế mạnh của bản thân...

Hành trình 45 năm, An ninh Thủ đô dù có lúc trầm, lúc thăng và cả những bước ngoặc lịch sử, nhưng cán bộ, chiến sĩ trong tờ báo vẫn luôn đoàn kết một lòng, dành cho nhau sự tôn trọng, tình cảm như các thành viên trong một gia đình, đồng thời tin tưởng, với sự chủ động, năng động của tập thể Ban Biên tập sẽ đưa tờ báo vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, giữ được chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.