Tổng thống Zimbabwe Mugabe:

Từ hào quang anh hùng đến tình cảnh nhà độc tài bị hạ bệ

ANTD.VN - Từ một anh hùng, đem lại độc lập cho Zimbabwe và rất được kính trọng, Tổng thống Robert Mugabe đã trở thành nhà độc tài khiến nhiều người chán ghét. Cuối cùng, chính quyền của ông đã sụp đổ vào đêm 21-11.

Ông Mugabe (bên phải) bị bắt buộc từ chức sau cuộc binh biến ngày 15-11

Tương lai của nhà lãnh đạo 93 tuổi này hiện đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết dù trong quá khứ ông từng được xem là một trong những chính khách có triển vọng nhất của châu Phi. 

Hào quang từ thế kỷ trước

Robert Gabriel Mugabe sinh năm 1924 trong một gia đình nghèo tại thị trấn Kutama, Nam Rhodesia, thuộc địa của Anh. Lớn lên, ông theo học tại trường Cao đẳng Kutama và Đại học Fort Hare ở Eastern Cape, Nam Phi, chuyên ngành lịch sử và văn học Anh. Ông từng làm giáo viên sau khi tốt nghiệp vào đầu những năm 1950. Mugabe được cho là có 7 bằng cấp học thuật bao gồm nhiều lĩnh vực như giáo dục và luật pháp. Trong số đó có hai bằng ông đạt được trong thời gian ngồi tù vì tội nổi loạn chống lại chính quyền thực dân, theo các báo cáo khác nhau. 

Trong thời gian dạy học ở Ghana, ông Mugabe đã gặp người vợ đầu Sally Hayfron, người đã qua đời vào năm 1992. Cũng chính tại đất nước Ghana, quốc gia châu Phi đầu tiên giành được độc lập từ chủ nghĩa thực dân châu Âu, ông Mugabe đã giác ngộ tinh thần đấu tranh giải phóng ách đô hộ của thực dân và chủ nghĩa dân tộc châu Phi.

Năm 1960, Mugabe trở về nước, tham gia các cuộc biểu tình kêu gọi một quốc gia độc lập do người da đen lãnh đạo. Sau khi đưa ra bình luận chống chính phủ, ông bị bắt giam từ cuối năm 1963-1974. Được thả, ông trốn sang nước láng giềng Mozambique và từ đây lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích nhằm chấm dứt sự cai trị của Anh. 

Và trong cuộc tổng tuyển cử năm 1980, ông đã trở thành Thủ tướng của nước mới được đổi tên thành Zimbabwe. Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng từ năm 1980-1987, ông Mugabe đã kêu gọi đoàn kết dân tộc, và thuyết giảng về sự hòa giải sắc tộc. Chính quyền của ông đã mở rộng việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người dân, xây dựng những con đường mới và mở ra cơ hội cho những công dân da đen trong các lĩnh vực trước đây chỉ dành cho người da trắng. Các chính sách như vậy đã khiến ông được ca ngợi như người cha và một chính khách được kính trọng, và ông trở thành nhân vật được yêu mến trên trường quốc tế. 

Người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Quốc hội Zimbabwe ở Thủ đô Harare cùng tấm biển ghi: “Mugabe phải ra đi”

Nhà độc tài đam mê quyền lực... trọn đời

Nhưng điều đó không kéo dài. Năm 1987, Quốc hội Zimbabwe đã soạn thảo lại Hiến pháp cho phép ông Mugabe trở thành Tổng thống ngay sau đó. Vị trí đầy quyền lực này đã trao cho ông quyền giải tán Quốc hội, thiết lập tình trạng thiết quân luật và ra tranh cử nhiều nhiệm kỳ nếu muốn - chủ yếu nhằm dọn đường để ông Mugabe có khả năng trở thành Tổng thống trọn đời.

Đại diện của người da trắng trong Quốc hội đã bị loại bỏ và chính phủ được phép đề cử 20% trong số 120 thành viên của Quốc hội. Những người chỉ trích cho rằng đất nước này dường như đã tạo ra một chế độ quân chủ. 

Vào đầu những năm 1990, Chính phủ Zimbabwe đã thông qua một sửa đổi cho phép sung công một nửa số đất người da trắng sở hữu với mục đích tái định cư cho các gia đình của người da đen. Chính sách gây tranh cãi này đã thu hút sự chú ý vào đầu những năm 2000, và vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Họ đe dọa sẽ từ chối viện trợ nước ngoài cho Zimbabwe và việc chiếm đoạt đất đai của những nông dân da trắng đã khiến sản xuất lương thực bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến nạn đói, kinh tế suy giảm mạnh. Đồng đô la Zimbabwe sụp đổ, với lạm phát có giai đoạn tăng vọt lên đến 500 tỷ phần trăm. Thất nghiệp tăng vọt, tình trạng thiếu hụt xăng trở nên phổ biến và xuất hiện những cuộc bạo động vì tranh giành thực phẩm.

Ông Mugabe đổ lỗi cho người Zimbabwe da trắng và các đối thủ chính trị của ông ta, những người mà ông cáo buộc là những con rối của chính sách thực dân, đã gây ra tình trạng nghèo đói và thâm thủng ngân sách. Nhưng các nhà phê bình nói rằng lỗi phần lớn nằm ở chính phủ của ông Mugabe.

Những cuộc điều tra của các cơ quan truyền thông và các nhóm quyền dân sự đã phát hiện ra rằng một số khu đất bị tước đoạt đã được trao cho các bộ trưởng và các đồng sự của ông Mugabe chứ không được sử dụng để làm giảm tình trạng quá tải của các công dân da đen, những người chỉ nắm giữ một tỷ lệ nhỏ đất đai.

Vào tháng 10-2000, những nỗ lực của các thành viên đối lập tại Quốc hội Zimbabwe nhằm luận tội ông Mugabe đã thất bại. Cùng năm đó, Hiến pháp nước này được sửa đổi để buộc nước Anh trả tiền đền bù cho vùng đất mà London đã chiếm được từ những người da đen trong thời kỳ cai trị thuộc địa.

Năm 2002, Khối thịnh vượng chung Anh đã đình chỉ tư cách thành viên của Zimbabwe và nước này đã rút khỏi tổ chức trên một năm sau đó. Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt, như cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với hàng chục thành viên trong giới lãnh đạo Zimbabwe. Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự.

Ông Mugabe thất bại trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 3-2008 trước ứng viên Morgan Tsvangirai, lãnh đạo Phong trào Thay đổi dân chủ đối lập, nhưng nhà lãnh đạo lâu năm này không chịu nhượng bộ. Thay vào đó, ông ta đã phát động một chiến dịch đầy bạo lực khiến nhiều người thiệt mạng. Ông Tsvangirai cuối cùng rút lui khỏi vòng bỏ phiếu thứ hai, nhưng sau đó đã đồng ý chia sẻ quyền lực với Mugabe và trở thành Thủ tướng của đất nước này. Nhưng đến năm 2011, ông Tsvangirai tuyên bố thỏa thuận thất bại. 

Năm 2013, Tổng thống Mugabe tại vị thêm nhiệm kỳ nữa giữa những cáo buộc rộng rãi về gian lận bầu cử. Khi đó, bà Grace, người vợ thứ hai của ông, đã tính đến chuyện kế nhiệm vị trí của người chồng ngày càng già yếu. Nhưng ý định này không được các đảng viên lão thành trong đảng cầm quyền đồng ý. Chính quyền của ông Mugabe bắt đầu suy sụp nhanh chóng khi ngày 6-11 ông cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người mà ông từng tin tưởng và được xem là đối thủ chính của bà Grace để kế nhiệm ông. 

Cánh cửa dinh Tổng thống dành cho ai?

Ngày 15-11, quân đội tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát đất nước, quản thúc tại gia ông Mugabe và vợ của ông. Mặc dù được kêu gọi từ chức, nhưng nhà lãnh đạo lâu năm này vẫn tiếp tục bám lấy quyền lực trong gần một tuần - cho đến đêm 21-11, ông đã buộc phải chính thức tuyên bố từ chức. 

Sau khi ông Mugabe từ chức, tương lai của Zimbabwe vẫn bất định. Bởi hiến pháp nước này quy định rằng Phó Tổng thống sẽ tiếp quản quyền lực trong vòng 90 ngày. Như vậy, người nắm quyền sẽ là ông Phelekezela Mphoko, 77 tuổi, được cho là thân cận với Đệ nhất Phu nhân Grace Mugabe. Tuy nhiên, ông Mphoko đang yếu thế vì không được quân đội ủng hộ.

Cánh cửa dinh Tổng thống Zimbabwe được cho là rộng mở nhất cho ông Emmerson Mnangagwa, Phó Tổng thống bị ông Mugabe cách chức 13 ngày trước nhưng vừa được đảng cầm quyền ZANU-PF chỉ định làm lãnh đạo lâm thời trong cuộc họp hôm 19-11 vừa qua. Về lâu dài, vấn đề lớn nhất ở Zimbabwe thực chất là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế nước nghèo khó và kiệt quệ này. Do đó nhiệm vụ của một chính phủ mới, khi được thành lập, là phải nhanh chóng vực dậy nền kinh tế sa sút. 

Vợ chồng cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe

Số phận Đệ nhất phu nhân ra sao?

Ông Robert Mugabe có thể rời khỏi Zimbabwe sau khi từ chức Tổng thống, nhưng quân đội yêu cầu truy tố Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Một trong số những người bảo vệ ông Mugabe nói với Mail Online, các tướng lĩnh đã nhấn mạnh rằng, bà Grace phải bị truy tố. “Đó là một vấn đề nóng bỏng cho đến ngày hôm nay. Tôi không biết sự việc sẽ diễn ra thế nào, nhưng họ đã nhấn mạnh rằng họ có thể tha thứ cho ông Mugabe, nhưng bà Grace thì không”, người này nói.

Trong khi đó, một thành viên gần gũi với gia đình cho biết thêm, bà Grace có thể bị bắt giữ. Người phụ nữ 52 tuổi này được cho là đang bị giam giữ trong một nhà tù quân sự ở Zimbabwe. Trước đó, từng có nguồn tin rằng bà Grace kịp trốn sang nước láng giềng Namibia hoặc bị quản thúc tại dinh thự cùng chồng mình.

    Tuấn Anh (Theo Dailymail)