Đại đức Thích Quảng Trí:

"Tư duy trần sao âm vậy là mê lầm"

ANTD.VN - Trong số báo ra ngày hôm qua 11-8, Báo An ninh Thủ đô đã thông tin tới bạn đọc xung quanh câu chuyện về việc nhiều gia đình đốt vàng mã tràn lan cùng những biến tướng. Để rõ hơn về lễ Vu Lan hay lễ cúng xá tội vong nhân dịp Rằm tháng Bảy âm lịch, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Đại đức Thích Quảng Trí về những phong tục và quan niệm trong ngày Rằm tháng Bảy. 

Biến tướng của tục đốt vàng mã gây lãng phí và không đúng với giáo lý nhà Phật

- PV: Thưa Đại đức, trong Phật giáo xưa nay có tồn tại tục đốt vàng mã không?

- Đại đức Thích Quảng Trí: Tôi khẳng định một lần nữa là không, trong Phật giáo không hề tồn tại tục đốt vàng mã cho người đã khuất. Xưa kia, trong suốt chiều dài 1.000 năm Bắc thuộc, chúng ta bị ảnh hưởng một số phong tục tín ngưỡng của nhà Hán như rải tiền giấy lên mộ, đốt tiền giấy, dần dà thì đốt ngựa giấy, trang sức, áo quần hay hình nhân, gọi là hình nhân thế mạng…

Trước nữa, thì có tục chôn một số đồ dùng (đồ tùy táng) theo người đã khuất, xong dần dà để tránh lãng phí thì sản xuất kích cỡ nhỏ hơn (minh khí). Thực ra, việc đốt tiền vàng mã ngay người Trung Quốc cũng rất hạn chế, chứ không đốt tiền vàng gửi xuống cõi âm tràn lan như ở ta bây giờ.

- Đại đức có giải thích gì về tư duy “trần sao âm vậy”, liệu có đúng với giáo lý nhà Phật?

- Tư duy “trần sao âm vậy” như nhiều người vẫn quan niệm bây giờ có vẻ như lẫn lộn giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Những người quan niệm như vậy theo tôi là nhận thức thấp. Đồng ý đây là phong tục được du nhập vào nước ta, nhiều người vẫn nói là “xưa bày nay làm” nhưng thực chất là xưa có bày tràn lan như thế đâu. Cứ thấy nhà hàng xóm đốt vàng mã thì nhà mình cũng phải đốt cho bằng được, đó là a dua thôi.

Cũng không nên đánh đồng rằng đốt vàng mã là phong tục của Phật giáo, điều này là không đúng. Lại thêm các nhà sản xuất dựa vào những quan niệm sai lầm này để trục lợi, các thầy cúng, thầy mo cũng được thế mà hùa theo. Xã hội bây giờ có nhiều tệ nạn, cũng có thể gọi cái thói đốt vàng mã tràn lan này là tệ nạn được rồi. 

- Thực ra nếu đốt đồ hàng mã là những ô tô đời mới, xe máy, điện thoại, cổ phiếu… cho người cõi âm, người ta có dùng được không, thưa Đại đức?

- Đó là nhận thức mê lầm, đốt nhiều thì chỉ lãng phí, chứ cảnh giới khác nhau làm sao mà dùng được. Mọi người cũng cần hiểu rõ hơn về nguồn gốc của lễ Vu Lan cũng như xá tội vong nhân. Đó là câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên, một trong những đại đệ tử của Đức Phật.

Qua thời gian tu hành đắc đạo, Mục Kiền Liên nhớ cha mẹ, bèn dùng huệ nhãn, nhìn xuống các cõi khổ tìm cha mẹ thì thấy mẹ đang bị giam trong ngục A Tì. Mẹ Mục Kiền Liên đói không được ăn, khát không được uống. Quá thương cảm xót xa, ông liền vận dụng phép thần thông, tức tốc đến chỗ mẹ. Tay bưng bát cơm dâng mẹ mà nước mắt lưng tròng, nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa.

Mục Kiền Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Đức Phật cho ông biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông mới phải sinh vào nơi ác đạo. Một mình Mục Kiền Liên thì vô phương cứu dù ông có thần thông đến đâu.

Phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được. Bởi vậy, Phật dạy Mục Kiền Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đúng vào ngày Rằm tháng Bảy thì lập trai đàn để cầu nguyện. Từ đó, ngày Rằm tháng Bảy được gọi là ngày lễ Vu Lan. 

- Đại đức có lời khuyên nào cho người dân không, ví dụ nên cúng như thế nào, cúng cái gì để vừa ý nghĩa, vừa không lãng phí, lại đúng với tín ngưỡng, tôn giáo?

- Mỗi gia đình nên bày tỏ lòng thành theo cách thích hợp với gia cảnh, văn hóa. Biện sửa mâm cơm cúng gia tiên. Lễ Vu Lan ngoài việc nhớ tới người đã khuất còn có ý nghĩa ở chỗ chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, những người cô đơn không nơi nương tựa. Chúng ta làm việc này còn là để cho con cháu chúng ta noi gương, làm việc thiện nhiều hơn, tăng phúc lành.

Chỉ có như thế chúng ta mới giải tỏa được những khổ đau phiền não. Vấn đề là mỗi người cần nhận thức hợp lý về cuộc sống, về đạo lý, việc lạm dụng tín ngưỡng tôn giáo sẽ gây hậu quả phản tác dụng.

- Tinh thần của Phật giáo vẫn quan niệm rằng, “Đi lễ đừng cầu gì khác ngoài cầu bình an”, thế nhưng bây giờ có vẻ nhiều người quá tham, hoặc họ nghĩ bất kể muốn gì thì cứ cầu khấn là được. Theo Đại đức, người dân nên làm thế nào để những thứ tham - sân - si… không được mang tới cửa Phật. 

- Chúng ta vẫn quen với tư duy xin cho, có xin mới có cho. Nhưng vào cửa Phật mà cầu công danh, tài lộc hay những thứ tham - sân - si thì đó hẳn là mê lầm. Điều cao nhất của cuộc sống đó chính là hạnh phúc, là không khổ đau,  phiền não, bình an, sống lành mạnh, trong sáng, thực tâm.

Còn cầu xin vật chất, ai mà cho được. Xin mà bất chính thì không ai cho được, lại còn tạo nghiệp. Đức Phật đã dạy, sống an lạc. Mỗi người hàng ngày hãy nên cầu nguyện, trau dồi tâm trong sáng, như thế mới đạt được thành tựu viên mãn. Và Phật vẫn dạy chúng ta rằng: “Từ bỏ cái ác, hãy làm các việc thiện, giữ thân và tâm thanh tịnh”.

- Xin cảm ơn Đại đức về cuộc trò chuyện!