Tư duy sáng tạo

ANTĐ - Tiến sĩ Edward de Bono, tác giả của cuốn Phương pháp tư duy sáu chiếc mũ (Six thinking hats), thường khuyến khích sinh viên tư duy theo phương pháp “Lateral Thinking”. Trong một buổi lên giảng, ông đã đưa ra tình huống: 

Một tòa nhà làm việc có 2 tầng, nhưng diện tích thừa lại khá rộng. Sau này, ban lãnh đạo xây một tòa nhà mới 12 tầng, tòa nhà 2 tầng cũ chuẩn bị phá bỏ. Nhân viên chuyển sang cao ốc mới không lâu, đã liên tục phàn nàn về sự chậm chạp và số lượng quá ít của hệ thống thang máy. Thậm chí, giờ cao điểm tan tầm, họ tốn rất nhiều thời gian đợi thang máy.

Các phương án được đưa ra: 

1. Vào giờ cao điểm, một vài thang máy sẽ dừng ở tầng chẵn, số thang máy còn lại sẽ dừng tầng lẻ.

2. Bố trí thêm vài thang máy.

3. Phân chia giờ tan ca lệch giữa các bộ phận làm việc.

4. Các mặt của thang máy đều lắp thêm gương.

5. Trở lại tòa nhà 2 tầng cũ.

Sau khi sinh viên thảo luận, Tiến sĩ nói: các phương án 1, 2, 3, 5 đại diện cho cách tư duy truyền thống. Phương án 4 là tư duy theo phương pháp “Lateral Thinking” - lối tư duy sáng tạo khuyến khích lập luận không cần rõ ràng ngay và các ý tưởng không thể đạt được bằng cách chỉ sử dụng tư duy theo kiểu truyền thống. Cách tư duy này giúp tìm giải pháp thông qua một quá trình tiếp cận gián tiếp. Ban lãnh đạo công ty đó đã chọn phương án 4.

“Khi cùng đợi thang máy, qua gương, đa số nhân viên sẽ lén quan sát đồng nghiệp hoặc chỉnh trang lại dáng vẻ của mình” – Tiến sĩ Bono giải thích, “từ đó, họ sẽ không chú ý đến thời gian đợi thang máy, tâm trạng vội vã được thư giãn phần nào. Tòa cao ốc đó đã được tính toán thiết kế khoa học, thực tế số thang máy không thiếu, chỉ là con người thiếu kiên nhẫn mà thôi”.