Tự đốt, phá phương tiện của mình vẫn có thể bị phạt tù

ANTD.VN - Qua báo chí, tôi thấy một số người vi phạm luật giao thông tự đốt, phá phương tiện của chính mình khi bị CSGT phát hiện lỗi và xử phạt… Xin hỏi luật sư, hành vi đó của người vi phạm giao thông có vi phạm pháp luật hình sự không và việc xử lý họ như thế nào? Trịnh Văn Tuyên (Hà Nội)

Tự đốt, phá phương tiện của mình vẫn có thể bị phạt tù ảnh 1Đốt tài sản của mình giữa nơi công cộng có thể bị xử lý hình sự

Trả lời: Theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nên họ có toàn quyền đối với tài sản do mình sở hữu. Tuy nhiên, điều quan trọng là những việc làm đó được thực hiện trong hoàn cảnh nào, ở đâu và có làm ảnh hưởng đến người khác không.

Hành vi của người vi phạm Luật Giao thông như trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và có thể sẽ bị xử lý theo 1 trong 3 tội danh là “Gây rối trật tự công cộng”, quy định tại Điều 245; tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại Điều 257 hoặc tội “Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 BLHS.

Tự đốt, phá phương tiện của mình vẫn có thể bị phạt tù ảnh 2Luật sư Đặng Văn Sơn - Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự Địa chỉ: Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Với trường hợp trên có thể thấy, hành vi đốt, phá phương tiện của người vi phạm Luật Giao thông đã xảy ra trên đường giao thông tức là tại nơi công cộng. Hành vi của người này có thể gây ách tắc giao thông hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác, đủ thỏa mãn cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Nếu bị xử lý theo tội này thì người đốt, phá phương tiện giao thông sẽ bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Ở góc độ khác, nếu việc đốt, phá phương tiện nhằm mục đích phản ứng, chống lại quyết định của lực lượng chức năng thì hành vi này đã trực tiếp xâm hại đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, đồng thời cản trở hoạt động công vụ và người thi hành công vụ.

Vì thế, nếu cơ quan điều tra chứng minh được động cơ này của người vi phạm Luật Giao thông thì người đó có thể sẽ bị xử lý theo tội “Chống người thi hành công vụ” với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Ngoài hai khả năng trên thì người tự đốt, phá phương tiện khi bị CSGT xử phạt còn có thể bị truy tố, xét xử về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” nếu phương tiện giao thông đó là xe đi thuê, đi mượn hoặc là tài sản chung với người khác. Bị áp dụng điều luật này, người tự đốt, phá phương tiện giao thông phải đối mặt với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.