Từ đôi bàn tay biết hối cải!

ANTĐ - Trong bao chuyến đi dài, tiếp xúc với nhiều cảnh đời, với cả những người từng chìm đắm trong tội lỗi, điều đọng lại lớn nhất trong tôi là sự giang tay đón nhận từ phía gia đình. Ai cũng có thể bị sa ngã, nhưng con đường quay lại dù thế nào cũng cần có sự động viên của người thân bên cạnh….
Từ đôi bàn tay biết hối cải! ảnh 1

Anh Khánh vui sướng trước mùa nhãn sai quả


Đứng lên ở vùng rốn ma túy

Sơn La hiện có hơn 7.000 người nghiện, hàng trăm người đang cải tạo tại các trại giam. Cùng hàng trăm người đã được tha tù, đang tái hòa nhập tại địa phương. Nhưng số người thật sự hòa nhập được vẫn còn hạn chế. Tôi được Công an thị trấn Hát Lót giới thiệu gặp anh Trần Ngọc Khánh ở tiểu khu 2 - thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) - một người có nỗ lực thực sự, đang từng bước phát triển kinh tế gia đình. Anh Trần Văn Vận, bạn làm ăn của Khánh cho hay: “Tất cả cũng bởi anh đã biết tránh xa đường tối, từ bỏ nghiện ngập, đứng lên từ lầm lỡ để trở thành một người làm ăn lương thiện. Khánh khiến nhiều người nể phục lắm!”.

Nếu ngược dòng thời gian, thì xưa thị trấn Hát Lót là điểm nóng về an ninh trật tự và ma túy ở huyện Mai Sơn và tỉnh Sơn La. Nhiều thanh niên, trai tráng đã bị bão ma túy cuốn đi. Khánh cũng không ngoại lệ, thời thanh niên, anh chơi bời, lêu lổng và bập vào chích hút từ năm 1996. “Quậy mãi đến năm 2000 thì bị bắt. Cả thời gian đó tôi chẳng làm ăn gì, cũng chẳng giúp được gì cho gia đình” - Khánh nhớ lại.

Đầu năm 2000 Khánh bị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La kết án 24 tháng tù giam vì tội tàng trữ, sử dụng chất ma túy. Mãn hạn tù, Khánh trở về địa phương nhưng chỉ được ít ngày, bè bạn lại kéo đến, kéo anh trở lại với ma túy. Nghe bùi tai, anh làm theo và tái nghiện, lại tiếp tục tìm cách mua thuốc chích hút. 

Năm 2006, Khánh  tìm được một cô gái chịu làm vợ nhưng vẫn tiếp tục chích hút, dù vợ hết lời khuyên can. Năm 2008, Khánh tiếp tục bị bắt, năm đó, con gái anh mới được vài tháng tuổi. Khánh lại về Trại giam Sơn La thụ án. Cán bộ trại khi đó thốt lên: “Tiếc thật! Lại gặp cậu! Ở ngoài đó không sướng hay sao mà cứ thích vào đây?”. Nghe thế, Khánh ngậm ngùi cúi đầu ân hận.

Lúc này, chị Lô Thị Ngân vợ Khánh vẫn năng vào vào thăm, động viên: “Anh phải dứt hẳn nghiện, giũ bỏ quá khứ, cải tạo để làm ăn lương thiện. Em và con cần anh. Chứ đừng để như người ta, chồng đi đằng chồng, vợ đi nẻo vợ”. 

Khánh khóc trong ân hận, và hứa hết lần này sẽ không tái phạm nữa. Năm 2010 mãn hạn tù, anh đã không nghe theo lời bạn xấu rủ rê, quyết đứng lên bằng việc làm nông nghiệp trên chính quê hương mình. Đó đâu chỉ là ngày vui của riêng hai vợ chồng anh. Bố mẹ và an hem họ hàng mừng lắm. Đứa con dại đã trở về. Cùng thời điểm ấy, những “bạn nghiện” của Khánh đã lần lượt chết vì nghiện. Khánh bảo: “Cũng may mà còn được đi tù, được cai nghiện, không thì chắc gì còn sống đến hôm nay!”.

Từ đôi bàn tay biết hối cải! ảnh 2

“Biết ơn gia đình”

Đến bây giờ Khánh vẫn tâm sự rằng, anh biết ơn người vợ đã động viên anh, không bỏ anh ra đi khi anh ở trong tù, điều mà không ít người vợ có chồng đang thụ án đã làm. Ngược lại, chị Ngân còn tích cực làm ruộng, chăm con rất tốt. Tình nghĩa ấy đã trở thành động lực, để sau khi ra tù, không sự quyến rũ nào đánh gục được anh. Cũng thời gian đó, cậu em trai anh mắc nghiện và mất, khiến anh “vô cùng căm thù ma túy”. Khánh tự nhủ: “Phải làm lại, mình đã phí phạm thời trai rồi!”.

Nghĩ chín rồi xắn tay vào làm, bằng sự chịu khó của vợ và sự động viên của gia đình, khu dân cư cũng như chính quyền địa phương, Khánh được tạo điều kiện vay vốn làm ăn, được thuê đất mở trang trại và tạo điều kiện về nương rẫy để trồng ngô. Khánh mua lợn giống về nuôi, lấy giống xoài có kinh tế cao về trồng, cắt tỉa cây nhãn dại và ghép nhãn lai để tạo thành loại nhãn sai quả, có giá trị kinh tế cao, mỗi năm thu lãi gần 300 triệu đồng. Với 2 ha nương trồng ngô, Khánh đa số dùng để phục vụ chăn nuôi.

Anh cũng tham gia Hội Nông dân tiểu khu 2 để cùng chia sẻ với bà con cung cách làm ăn, phát triển kinh tế mô hình gia trại, giúp đỡ một số thanh niên nghiện ngập. Tôi hỏi, vậy theo anh làm gì để thanh niên tránh xa ma túy? Anh Khánh cho biết: “Các cấp các ngành phải vào cuộc. Và trước hết, gia đình phải quản chặt con cái, giúp cho thanh niên biết tác hại của việc tiêm chích ma túy. Việc đó rất dễ dẫn đến trộm cắp, bệnh xã hội…”.

Khánh sinh năm 1976, sở hữu trang trại rộng hơn 4.000m2, tuy không lớn lắm, nhưng anh đã tích cực để có những mùa nhãn bội thu, sai trĩu quả và chăm sóc những lứa lợn béo nục theo cách của anh, đó là mọi thứ phải đẹp. Anh mới xây được căn nhà khang trang, bằng hai bàn tay biết hối cải và cái đầu biết tính toán làm ăn. Người thân, hàng xóm mừng cho anh. “Hóa ra em không phải là đồ bỏ đi. Em đã quyết tâm và tránh xa được cái xấu”, anh Khánh xúc động nói.

Trung tá Phạm Văn Biển, Công an huyện Mai Sơn phụ trách về an ninh trật tự thị trấn Hát Lót cho biết: “Anh Khánh về địa phương đã chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Anh cũng ăn năn, nhận thấy lỗi lầm của bản thân và tích cực cải tạo. Đồng thời, được sự quan tâm giúp đỡ của tiểu khu, anh ấy đã vào sinh hoạt cộng đồng, được bầu là thành viên của Tổ an ninh nhân dân, tích cực tuyên truyền phòng chống tệ nạn trong khu vực. Nhờ đó, an ninh trên địa bàn được cải thiện”.