Tự do tín ngưỡng: Quyền cơ bản của con người

ANTĐ - Quán triệt, kế thừa, phát triển quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Chủ tịch 
Hồ Chí Minh, quyền tự do tín ngưỡng trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi với các chế định toàn diện và sâu sắc, theo tiêu chí hoàn thiện, dân chủ, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho tín đồ các tôn giáo và tổ chức tôn giáo hoạt động một cách lành mạnh và công bằng nhất.

Thể hiện chính sách đúng đắn

Tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, so với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp 2013 là bước tiến quan trọng, kế thừa và phát triển trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập sâu với thế giới. Cụ thể, từ “Công dân” được thay bằng “Mọi người”, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là một quyền cơ bản của công dân như các Hiến pháp trước đây, mà quan trọng hơn đó còn là một trong những quyền cơ bản của con người.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 (Đại lễ VESAK Liên hợp quốc 2014) lần thứ XI sẽ được tổ chức tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 7 đến 11-5 chính là sự kiện khẳng định chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế, khẳng định đường hướng đồng hành với dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tạo môi trường lành mạnh

Có thể nói, Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này đã thể hiện tinh thần đổi mới và thể hiện được ý Đảng, lòng dân, phản ánh được nguyện vọng của đại đa số nhân dân, thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nhìn lại, từng giai đoạn phát triển của đất nước, mỗi lần sửa đổi, bổ sung và ban hành Hiến pháp, Nhà nước ta luôn kế thừa và phát triển để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trở thành một trong những quyền cơ bản của con người, thể hiện sự nhất quán trong chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 3-9-1945, đó là: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”.

Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Qua những biến chuyển thăng trầm của lịch sử, xã hội và đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Thị Thu cũng nhấn mạnh bên cạnh việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng cần đề phòng, nâng cao cảnh giác việc “lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”, tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống đối Đảng, Nhà nước. Quan tâm giải quyết đúng đắn và đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là cơ sở để đấu tranh có hiệu quả chống mọi hành vi lợi dụng tôn giáo, từ đó tạo môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh.