Tự cứu mình

ANTĐ - Nếu theo đúng mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006- 2020, thì đến năm 2020 có 40% sinh viên cả nước được đào tạo tại các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, trái với muc tiêu này, GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập cho biết thực tế khối ngoài công lập khó mà đạt được tỷ lệ này. 

Xét từ năm 2000 đến nay, trong bối cảnh “bùng phát” các trường ĐH, CĐ thì tỷ trọng trường ngoài công lập thành lập mới chỉ bằng 1/10 trường công lập khi trường ĐH, CĐ công lập tăng từ 156 trường lên 331 trường, trong khi đó các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng từ 22 trường lên 81 trường. Từ năm 2000 đến năm 2005, mỗi năm trung bình thành lập 20 trường công lập và 2 trường ngoài công lập. Đến thời điểm hiện tại, với 81 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, số lượng sinh viên thuộc khối này mới chiếm 14,7% tổng số sinh viên cả nước. 

Trong sự cạnh tranh gay gắt với khối công lập, khối ngoài công lập đến thời điểm này vẫn chưa khẳng định được vị thế của mình trong xã hội bằng chất lượng đào tạo, thành tựu nghiên cứu khoa học hay ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Không những vậy, góp phần không nhỏ trong việc “kéo tụt” nỗ lực chung của khối ngoài công lập là tình trạng một số trường do áp lực tài chính, chạy theo lợi ích kinh tế đã dẫn tới nhiều vi phạm trong hoạt động đào tạo. Trong năm 2012, 3 trường ĐH được cho là bị xử phạt nặng nhất từ trước tới nay với yêu cầu đình chỉ tuyển sinh ĐH 2012 đều là các trường ngoài công lập. Tình trạng thuê mướn phòng học, thiếu giáo viên trầm trọng đều được phát hiện ở khối ngoài công lập như ĐH Văn Hiến đào tạo gần 5.000 sinh viên nhưng chỉ có 52 giảng viên cơ hữu, ĐH Đông Đô đang đào tạo trên 4.000 sinh viên nhưng sau hơn 10 năm thành lập vẫn phải thuê mướn nhiều địa điểm thay vì xây trường.

Rõ ràng nếu chỉ trông chờ vào việc kêu gọi hỗ trợ của nhà nước, các trường ngoài công lập không thể đạt tỷ lệ 40% sinh viên vào năm 2020. Điều cần làm hiện thời là các trường này phải xóa được định kiến xã hội bằng chất lượng thực. Với dự kiến sẽ thành lập Viện nghiên cứu Phát triển nhân lực, thành lập Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng đối với khối các trường ngoài công lập, rõ ràng việc tự cứu mình là điều mà các trường ngoài công lập đã nhận thấy và phải sớm bắt tay thực hiện.