Từ clip "xin vía học giỏi" của Thơ Nguyễn: Tuyên truyền mê tín dị đoan có thể phải ngồi tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư luận đang xôn xao trước đoạn video cho búp bê uống nước ngọt của YouTuber Thơ Nguyễn để xin vía học giỏi. Nhiều người cho rằng, video này khá phản cảm, có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan.

Đoạn clip trên được đăng tải trên tài khoản TikTok của YouTuber Thơ Nguyễn. Trong clip này, Thơ Nguyễn đã cho búp bê uống nước ngọt để xin vía học giỏi cho các bạn nhỏ - đối tượng thường xuyên theo dõi kênh YouTube của Thơ Nguyễn.

Sau khi xem clip trên, không ít người cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến việc nuôi Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người). Mặc dù sau đó, YouTuber này đã đăng tải toàn bộ clip và đính chính rằng đó là búp bê thường, và muốn học giỏi thì phải siêng năng chứ không dựa vào xin vía song lời giải thích này vẫn chưa khiến các bậc phụ huynh thỏa mãn, đồng tình. Không ít người đã cấm con theo dõi "kênh" của Thơ Nguyễn và kêu gọi cộng đồng mạng ngừng xem video của YouTuber này.

YouTuber Thơ Nguyễn và hình ảnh cắt trong clip gây tranh cãi

YouTuber Thơ Nguyễn và hình ảnh cắt trong clip gây tranh cãi

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Nghị định 56/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Trẻ em 2016 về các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nêu rõ các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em. Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Ngoài ra, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Điều 101 khoản 1 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định, việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp chia sẻ thông tin mê tín sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Trường hợp cá nhân đã từng bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan.

Được biết trước đó, kênh YouTube của Thơ Nguyễn cũng đã đăng tải đoạn clip có tiêu đề "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ" gây ra nhiều phản ứng tiêu cực.

Video hướng dẫn các em nhỏ chế tạo bồn tắm bằng thạch jelly, Thơ Nguyễn hướng dẫn trẻ đổ các loại bột, thạch vào bồn tắm tạo nên màu sắc sặc sỡ, đủ mùi và nhảy vào tắm trong thành phẩm. Trong một đoạn của clip, người phụ nữ này cho biết bị chuột rút, và cất tiếng kêu rên nghe khá nhạy cảm.

Ngoài ra YouTuber này con thực hiện những đoạn video như: Bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, hay "Thí nghiệm đun lon nước ngọt và cái kết"…

“Trước tình trạng các video phản cảm, bao lực, mê tín dị đoan xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng, để bảo vệ môi trường sống trong lành cho trẻ em, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm, tránh đề xảy ra những hậu quả đáng tiếc” – Luật sư Hồng Vân đề xuất.