Từ chuyện thiếu lao động ảo

ANTĐ - Đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Tại thị trường lao động điều này được biểu hiện qua các phiên giao dịch việc làm trong những tháng gần đây, xu hướng tuyển dụng của lĩnh vực sản xuất giảm mạnh, lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng. Các cơ quan quản lý về nguồn nhân lực dường như chỉ “quan sát” và “ghi chép” diễn biến chứ chưa thực sự có giải pháp lâu dài cho những xu hướng tự phát này.

Một tồn tại những năm gần đây, đó là tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ lạm phát nên người lao động rất khó khăn trong cuộc sống. Theo đó, một bộ phận người lao động (LĐ) có xu hướng thích làm việc tự do, thường xuyên chuyển việc làm nên mặc dù các doanh nghiệp liên tục bổ sung nhân lực nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là nhóm công nhân kỹ thuật và LĐ phổ thông.

Hiện xuất hiện tình trạng thiếu LĐ ảo, theo thông báo của Bảo hiểm thất nghiệp thì, số LĐ đăng ký thất nghiệp, mất việc làm tăng nhưng lại có rất nhiều DN vẫn thiếu LĐ và không tuyển dụng được. Mức lương LĐ tại các DN thấp hơn khu vực việc làm phi chính thức đã làm LĐ không gắn bó với giới chủ và thường xuyên nhảy việc cũng là điều dễ hiểu. Để đối phó với việc này, nhiều DN đã tăng nhu cầu tuyển dụng so với thực tế lên nhiều lần vô hình chung đẩy cầu LĐ luôn ở mức khá cao. 

Có thể nói, với xu hướng này, theo các chuyên gia LĐ, nhu cầu việc làm tuyển dụng vẫn còn nhưng tỷ lệ LĐ thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng. Một nguyên nhân nữa, đó là do việc tinh giản biên chế vì tình hình lãi suất vẫn rất cao, một số công ty đang có xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng cũng như việc dịch chuyển địa điểm nhà máy của một số DN tập trung nhiều LĐ ra các tỉnh lân cận, ngoại thành. Cơ hội việc làm vẫn nhiều nhưng sẽ có sự sàng lọc và yêu cầu chuyên môn hóa cao, vì vậy rất có thể các công ty sẽ cơ cấu lại bộ máy tổ chức để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh khi khó khăn về vốn sẽ qua đi. 

Thị trường tự vận động tự phát là vậy, cung và cầu đều có nhưng chưa thể “se duyên”. Đã đến lúc vấn đề nguồn lực để phát triển sản xuất cần phải được ngành chức năng tham gia sâu hơn, các địa phương quan tâm một cách thực sự. Không có đủ nguồn nhân lực sẽ khó phát triển sản xuất.