Từ chuyện nhãn sữa “kỳ thị” Việt Nam của Abbott

ANTĐ - Giá sữa, đặc biệt sữa dành cho trẻ em đã được dư luận cả nước quan tâm như một sự bất lực của mọi cơ chế quản lý thị trường với một mặt hàng thiết yếu. Trong khi giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới lao dốc, rơi xuống vực thẳm, sữa tươi do nông dân trong nước đang phải đổ bỏ vì sản lượng lớn hơn công suất chế biến thì giá sữa dành cho trẻ em trong nước vẫn trên đỉnh cao vời vợi. Cao đến nỗi, chính một lãnh đạo Bộ Công thương phải đặt nghi vấn: Có hay không tình trạng chuyển giá của các hãng sữa nước ngoài để trốn thuế nộp cho Việt Nam. 
Từ chuyện nhãn sữa “kỳ thị” Việt Nam của Abbott ảnh 1

Dù bất kỳ lý do nào, các hãng sữa nước ngoài cũng đã thu lợi quá lớn từ việc bán sữa cho con trẻ Việt. Nhưng lòng tham không có đáy, chiêu trò mới của Abbott là thương hiệu sữa của Mỹ rất quen thuộc ở Việt Nam đã một lần nữa làm cho người tiêu dùng ngơ ngác: Phải chăng các hãng sữa đã coi người tiêu dùng Việt cũng như các cơ quan quản lý thị trường như những tượng gỗ để có thể muốn qua mặt lúc nào thì qua? 

Theo phản ánh của Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại), kể từ đầu năm 2013, hãng sữa Abbott Laboratories của Mỹ đã ghi thêm dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” - tạm dịch “Không bán tại Việt Nam hay Mexico” - trên sản phẩm sữa Ensure Nutrition Shake. Có thể hiểu, và cũng là ý kiến của chính hãng Abbott,  là sản phẩm sữa này không dành cho thị trường Việt Nam. Đúng là sữa này không được cấp giấy phép lưu hành ở Việt Nam, không được nhập khẩu vào Việt Nam, nó... chỉ được bày bán ở khắp các cửa hàng, các siêu thị sữa ở các thành phố lớn Việt Nam (!). Chuyện như đùa mà có thật. Ngày 18-1, để phục vụ cho cuộc họp tại Bộ Y tế xử lý vụ việc này, các chuyên gia kinh tế đã có sự thăm thú thị trường và khẳng định: Có thể mua loại sữa nước Ensure Nutrition Shake ở mọi nơi. Cái nhãn sữa kỳ thị, loại trừ Việt Nam này giống như vô tình đảm bảo rằng đây là sữa Mỹ chính hiệu hóa ra hút khách có tiền và nói như một chủ cửa hàng sữa: Bán được. Vậy không được lưu hành ở Việt Nam sao lại có trên thị trường? Ở đâu ra? 

Làm loạn thị trường  

Cần nói ngay rằng sản phẩm Ensure của Abbott Laboratories (Mỹ) là thực phẩm bổ sung dạng nước được ưa chuộng tại Việt Nam với giá trị tiêu thụ nội địa hàng năm có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi Abbott in nhãn hiệu “kỳ thị” Việt Nam lên nhãn sữa đã đẩy các doanh nghiệp nhập khẩu sữa vào tình thế cực kỳ khó khăn. Điều ngạc nhiên nhất là nhãn hiệu sữa Ensure Nutrition Shake bán trên thị trường Mỹ và trên khắp thế giới đều có ghi dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico”. Một số doanh nghiệp nhập khẩu sữa vẫn đang tiến hành nhập sữa này về bán trong nước đã bất ngờ khi không được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cho lưu hành, phải trả về cố chủ, hàng hóa mua rồi, trả lại, vận chuyển hai lượt, đẩy doanh nghiệp vào thế chịu lỗ nặng. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường vẫn rất lớn vì vậy vẫn có một số doanh nghiệp tìm cách nhập lậu vào bán thị trường trong nước.

 Nhưng, lại nhưng, Abbott đã có bài của họ. Ngay lập tức Công ty TNHH dinh dưỡng 3A do Abbott sở hữu đã tung ra thị trường mặt hàng sữa  Ensure Nutrition Shake, nhãn hiệu, thành phần y hệt chỉ là không có dòng chữ “Không bán tại Việt Nam và...” được bán với giá... 26.000đ/chai 237 ml. Loại sữa này là hàng độc quyền của  Công ty TNHH dinh dưỡng 3A. Cả 49 doanh nghiệp khác ngơ ngác: Thế thì chết rồi. Việc Abbott  dành cho chính mình bán sữa bằng  chiêu ghi nhãn mác riêng cho thị trường Việt Nam giống như cấm cửa các doanh nghiệp khác nhập khẩu mặt hàng này. Các doanh nghiệp nhập khẩu sữa chỉ còn đường chạy đi kinh doanh món khác, trả thị trường sữa trong nước cho Abbott mà thôi. 

Để đòn đánh có hiệu quả, chính Abbott đã có công văn gửi Bộ Công thương tố cáo một số doanh nghiệp đã có ý định nhập khẩu sữa Ensure Nutrition Shake để cạnh tranh với... Abbott, đồng thời cảnh báo các loại sữa có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” không được Abbott đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, theo phản ảnh của các doanh nghiệp và các chuyên gia, các loại sữa có dòng chữ “kỳ thị” trên nhãn đang bán ở mọi thị trường, kể cả Mỹ. 

Chính bởi lý do đó, theo Ban chỉ đạo 389, một số doanh nghiệp nhập khẩu loại sữa này đã làm giả bản xác nhận sản phẩm lưu hành tự do tại Mỹ để đưa vào hồ sơ xin công bố chất lượng và lưu hành ở Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi, hải quan đã cho phép các doanh nghiệp mang hàng về tự bảo quản. Tuy nhiên, trong khi Bộ Y tế đã tỉnh táo chỉ đạo không kiểm tra chất lượng các sản phẩm có dòng chữ này thì Bộ Công thương lại có văn bản cho phép các doanh nghiệp tạm giải toả lô hàng sữa trên, đó chính là một trong những lý do để loại sữa không bán tai Việt Nam nhưng có mặt ở tất cả các cửa hàng sữa trong nước.

 Các cơ quan chức năng đành thua

 Ngay sau cảnh báo của Ban chỉ đạo 389, ngày 19-1, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp kín với các bộ, ngành liên quan làm rõ hiện tượng này. Tuy nhiên dư luận rất lo ngại: “Nếu không xử lý rõ ràng, vụ việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực khác bắt chước, gây thiệt hại tới người tiêu dùng”. Trong báo cáo của Ban chỉ đạo 389, từ khi phát sinh việc Abbott giao cho Công ty TNHH dinh dưỡng 3A nhập khẩu độc quyền thì giá mặt hàng này gia tăng rất nhanh.

Theo một chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, mặt hàng chất dinh dưỡng Ensure dạng nước được đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ khi chưa có kết quả kiểm tra chất lượng và chưa được Bộ Y tế xác nhận công bố chất lượng sản phẩm. Nhà sản xuất (Công ty Abbott Laboratories - Mỹ) và nhà phân phối - Công ty TNHH dinh dưỡng 3A (Công ty 3A) có dấu hiệu tạo thế độc quyền, biểu hiện rõ nhất là Hãng Abbott từ năm 2013 cho in bổ sung trên nhãn hàng sản phẩm Ensure dòng chữ “not to be sold in Vietnam or Mexico”, để tạo độc quyền, đội giá sản phẩm tại Việt Nam. Không những vậy, với việc làm trên Hãng Abbott và Công ty TNHH dinh dưỡng 3A dễ gây nhầm lẫn về chỉ dẫn địa lý cho người tiêu dùng. Tại cuộc họp, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN khẳng định không bảo hộ nhãn hiệu “not to be sold in Vietnam or Mexico” mà chỉ bảo hộ cho nhãn Ensure. Nên việc Hãng Abbott in dòng chữ này có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, cần phải xem xét.

Tuy nhiên cuộc họp không thể đề ra được một biện pháp nào khôi phục được thị trường cạnh tranh đối với mặt hàng sữa này, mặc dù ai cũng biết rõ, một thị trường cạnh tranh công bằng là công cụ hữu hiệu nhất để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Thứ nhất, Luật cạnh tranh Việt Nam chỉ có thể áp dụng với các mặt hàng sản xuất và lưu hành trong nước. Sản phẩm sữa “not to be sold in Vietnam or Mexico” không thuộc điều chỉnh của Luật này. Thứ hai, trong năm 2014, tổng nhập khẩu sữa khoảng trên 700 tỷ, riêng Công ty TNHH dinh dưỡng 3A chiếm trên 300 tỷ (42% thị phần) cũng chưa đủ điều kiện để điều chỉnh bằng các chế tài. Cùng đó, công ty Dinh Dưỡng 3A cũng nghiễm nhiên đứng ngoài cuộc, cho dù, công ty này đã hưởng lợi lớn từ vụ ghi nhãn “kỳ thị”. Nhà phân phối này sẽ chỉ bị xử lý khi nào Bộ Công thương tìm được dấu hiệu của việc thao túng giá cả, nhưng việc này chắc chắn là không dễ.

Vì vậy, đề nghị duy nhất đối với hãng Abbott là... thương lượng, đề nghị họ xem xét bỏ dòng chữ có tính kỳ thị kia trên nhãn sữa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khác có thể nhập khẩu, tạo ra một thị trường cạnh tranh. Trong lúc chưa thể thương lượng, cuộc họp đã đi đến một kết luận khác, đó là tăng cường các biện pháp chống việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật để... cạnh tranh với Abbott. Ban Chỉ đạo 389 đã có công văn yêu cầu cả 3 bộ: Tài chính, Y tế, Công thương thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong lĩnh vực thực phẩm nhập khẩu nói chung và đặc biệt với mặt hàng chất dinh dưỡng Ensure nước.

Cụ thể, Bộ Y tế được yêu cầu làm việc với Công ty Abbott Laboratories để làm rõ chất lượng sản phẩm Ensure mà trên bao bì có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico”; nếu việc ghi này chỉ nhằm chống nhập lậu và sản phẩm này vẫn đang được lưu hành tự do tại nước sản xuất và đảm bảo an toàn cho người dùng thì phải có biện pháp đề nghị công ty này thay việc ghi dòng chữ có tính kỳ thị, phân biệt trên. Bộ Y tế cũng được yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số quy định để cho phép các doanh nghiệp khác nếu đủ điều kiện cũng được phép nhập khẩu để tránh tình trạng độc quyền. Bộ Tài chính cũng đã được yêu cầu xem xét, kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu mặt hàng chất dinh dưỡng Ensure nước; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu mặt hàng trên; điều tra xác minh các hành vi giả mạo chứng từ, tài liệu để xin xác nhận, công bố chất lượng sản phẩm.

Con đường đi đến một thị trường minh bạch trong cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng có quá nhiều gian nan. Khó thay!