Từ chối chữa trị cho binh lính IS, 10 bác sĩ bị hành quyết dã man

ANTĐ - Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã hành quyết dã man 10 bác sĩ vì họ từ chối chữa trị cho các binh sĩ cực đoan khác bị thương. 

Sau các cuộc đụng độ dữ dội giữa nhóm khủng bố và lực lượng dân quân địa phương trong khu vực Hammam al-Alil, một vài phần tử thánh chiến đã bị thương cần phải điều trị y tế. Tuy nhiên, khi đến đề nghị, các bác sĩ làm việc ở bệnh viện gần đó đã từ chối chữa trị vì lý do họ không hỗ trợ các hoạt động của tổ chức khủng bố. Ngay lập tức, 10 bác sĩ trong bệnh viện bị đưa đi hành quyết để đe dọa và cảnh cáo những người khác.

Các hình ảnh vụ giết hại nhanh chóng được mạng truyền hình vệ tinh của Iraq Al Sumaria phát đi trong bản tin hàng ngày 9-4. Bản tin cho biết, quân thánh chiến đã lần lượt bắn 10 phát đạn vào đầu 10 bác sĩ, tại một sa mạc hẻo lánh cách 15 dặm về phía nam thành trì Mosul.
Từ chối chữa trị cho binh lính IS, 10 bác sĩ bị hành quyết dã man ảnh 1Các chiến binh IS lần lượt hành quyết 10 bác sĩ vì không chịu chữa trị cho các phần tử cực đoan bị thương khác

Trong bản tin cùng ngày, truyền hình Al Sumaria cũng cho biết, các chiến binh thánh chiến đã xử tử 60 binh sĩ của bộ lạc người Sunni ở tỉnh Anbar của Iraq, vì cho rằng một số thành viên trong khu vực Al-Karableh, Albu Ubaid, Albu Mahal và các bộ lạc Albu Salman cấu kết với lực lượng an ninh Iraq.

Trước các vụ việc này, ông Mowaffaq Hamid al-Azawi một quan chức địa phương đã mô tả thành phố Mosul như một nhà tù giam lỏng lớn, nơi người dân đang bị tra tấn dã man dưới bàn tay của những kẻ khủng bố IS.
Từ chối chữa trị cho binh lính IS, 10 bác sĩ bị hành quyết dã man ảnh 2Trong một diễn biến khác, IS bất ngờ giải phóng 216 tù nhân là người Yazidis vào hôm 9-4

Trong khi đó, cuộc chiến chống lại tổ chức cực đoan IS ở Iraq đã đạt được một vài thành tựu lớn. Quân đội Iraq và lực lượng dân quân người Shiite được Iran hậu thuẫn đã tiêu diệt và đánh đuổi các chiến binh ra khỏi một số làng mạc và thị trấn. Đáng nói nhất là chiến thắng ở Tikrit- quê hương của cựu Tổng thống Saddam Hussein, mở đường cho việc giải phóng Mosul, thành trì miền bắc lớn nhất nằm trong tay IS.

Sáng 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khẳng định, Mỹ đã có những tiến bộ trong các hoạt động chống lại IS tại Iraq nhưng ông không thể dự đoán được cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu.

Kể từ khi thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vào tháng 6-2014, các chiến binh cực đoan đã chiếm giữ được một dải đất khổng lồ ở Iraq và Syria, nhóm thường xuyên nhắm mục tiêu vào các tín đồ tôn giáo bản địa như Kito hữu hay dân tộc thiểu số Yazidi, giết hại hàng trăm người và buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trước sự hoành hành của các phần tử khủng bố, đầu tháng 8-2014, Mỹ cùng đồng minh đã đưa ra các cuộc không kích vào các căn cứ của nhóm ở Iraq và Syria nhằm tiêu diệt và ngăn chặn tận gốc mầm mống khủng bố khét tiếng bậc nhất thế giới này.