Từ câu chuyện nông sản đến "cuộc chiến" của Mỹ đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu

ANTD.VN - Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, tưởng chừng đã hạ nhiệt sau cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản hồi tháng trước, lại “nóng” lên sau tuyên bố của ông Trump rằng Trung Quốc đang khiến Mỹ thất vọng vì không giữ lời hứa.

Giá đậu tương ở Mỹ đã sụt giảm do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc

Viết trên Twitter, Tổng thống Trump than phiền: “Mexico đã làm rất tốt ở biên giới, nhưng Trung Quốc đang khiến chúng tôi thất vọng vì họ không mua các sản phẩm nông nghiệp từ những nông dân tuyệt vời của chúng tôi như họ đã hứa. Hy vọng họ sẽ sớm bắt đầu”. Trước đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng tuyên bố Mỹ kỳ vọng Trung Quốc xúc tiến mua nông sản của Mỹ ngay khi đàm phán thương mại giữa hai nước được nối lại.

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại đàm phán nhằm tiến tới một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm qua. Trong khi Washington đồng ý ngừng đánh thuế lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì Bắc Kinh tuyên bố sẽ mua thêm nhiều nông sản từ Mỹ. 

Ông Trump nóng ruột bởi sự chậm trễ của Trung Quốc không phải không có lý do. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thặng dư thương mại Trung-Mỹ trong năm 2018 đã tăng 17%, lên tới 323,32 tỷ USD. Đây là mức thặng dư thương mại cao nhất của Trung Quốc với Mỹ dựa trên số liệu được hãng tin Reuters lưu giữ từ năm 2006. 

Trong 5 tháng đầu năm 2019, bất chấp sức ép của Washington, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn là con số khổng lồ 750,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 108 tỷ USD. Dù xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ lại giảm tới 26% khiến thặng dư thương mại Trung-Mỹ vẫn cao. 

Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc, nông sản có vai trò quan trọng. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 24,2 tỷ USD hàng nông sản Mỹ, trong đó 60% là các loại hạt có dầu, còn lại là các sản phẩm như thịt, bông, ngũ cốc và hải sản. Nhưng sang năm 2018, nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc giảm tới 1/3, chỉ còn 16 tỷ USD. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong các tháng đầu năm 2019, riêng mặt hàng đậu tương của Mỹ xuất vào Trung Quốc giảm tới 12,2% trong 5 tháng đầu năm 2019.

Nếu tình hình cứ kéo dài, người nông dân Mỹ sẽ chịu thiệt thòi lớn. Chẳng hạn như giá đậu tương Mỹ - sản phẩm Trung Quốc ngừng mua vì căng thẳng hai nước - đã xuống thấp nhất trong vòng một thập kỷ ngay khi mùa gieo trồng bắt đầu. Des Moines Register - tờ báo lớn nhất bang Iowa chuyên trồng đậu tương đã đăng một bài phản ánh về tình hình này, với dòng tít “Mọi chuyện không thể tệ hơn được nữa”.

Mặc dù ông Trump đã thông báo gói hỗ trợ mới trị giá 16 tỷ USD cho nông dân chịu thiệt hại trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng nếu không mở được cửa thị trường Trung Quốc thì tương lai chính trị của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ bị đe dọa. Việc ông Trump tuyên bố ngừng áp thuế với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc để đổi lấy việc Bắc Kinh mua thêm khoảng 30 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ mỗi năm, bao gồm đậu tương, ngô và lúa mỳ, có thể coi là chút nhượng bộ của Mỹ nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước. 

Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ-Trung không đơn giản chỉ là tranh chấp thương mại. Đây là cuộc chơi sinh tử nhằm đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, là chiến lược kiềm tỏa sự trỗi dậy của nước này. Vì thế, khó có thể hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ êm thấm.