Từ các vụ chủ nợ đòi tiền người thân của "con nợ": Làm thế nào để đòi nợ đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều chủ nợ đã tìm đến người thân của “con nợ” để uy hiếp, đe dọa nhằm đòi tiền. Nhiều người đặt câu hỏi: Hành vi này có phạm luật? Người dân cần phải làm gì để bảo vệ mình khi bỗng dưng bị đòi nợ?

Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản trong đó nêu rõ, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, vay tài sản là quan hệ dân sự do thỏa thuận giữa các bên. Trong đó, khi đến hạn trả, chỉ có bên vay mới có nghĩa vụ trả nợ. Người thân của bên vay tài sản chỉ phải trả nợ thay trong trường hợp đã cam kết bảo lãnh cho khoản vay nhưng người được bảo lãnh lại không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về việc bảo lãnh, theo Điều 335 BLDS 2015, bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Căn cứ quy định trên có thể thấy, khi đến hạn mà bên vay không trả nợ, nếu không có cam kết bảo lãnh, chủ nợ không không được phép đòi tiền, tài sản người thân của bên vay.

Ổ nhóm đòi nợ thuê có “giang hồ” Quang Rambo đã phải lĩnh án phạt tù

Ổ nhóm đòi nợ thuê có “giang hồ” Quang Rambo đã phải lĩnh án phạt tù

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, trường hợp chủ nợ đe dọa, uy hiếp hoặc dùng vũ lực ép buộc người thân của bên vay trả nợ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp bên đòi nợ cố ý gây mất trật tự, đập phá đồ đạc để đòi nợ thì có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng với mức tiền phạt lên tới 3 triệu đồng.

Nếu bên cho vay đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc người thân của bên vay phải giao tài sản để trừ nợ sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Trường hợp hành vi này gây rối trật tự công cộng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh xã hội hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà chưa được xóa án tích, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS 2015.

Bên cạnh đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015 với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Như vậy, nếu người thân của người vay nợ bị đe dọa, họ có quyền báo cơ quan công an địa phương để can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn về sức khỏe và tài sản của bản thân.

Về phía bên đòi nợ, để đòi nợ đúng luật, chủ nợ tuyệt đối không được thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc bắt giữ người vay trái pháp luật. Nếu hết thời hạn cho vay mà bên vay vẫn chưa trả nợ, chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa hoặc gửi đơn tố giác đến cơ quan công an nếu bên vay có thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay - Luật sư Thu đưa ra lời khuyên.