Từ 2009 đến 2017 có hơn 5 vạn người được đặc xá trở về địa phương có việc làm ổn định

ANTD.VN - Đó là thông tin được nêu ra tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 10-2018 do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức vào sáng nay 25-10.

Từ năm 2009 đến năm 2017, nước ta đã có tổng số hơn 87.000 người được đặc xá

Tại hội nghị này, liên quan đến một số nội dung về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Thượng tá Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, ngày 21-11-2007, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XII đã thông qua Luật Đặc xá, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2008.

Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước 7 lần ban hành Quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Theo thống kê, từ năm 2009 đến năm 2017, nước ta đã có tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, về đúng địa chỉ nơi cư trú và đều được công an các địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tuỳ thân.

Trong số này có khoảng hơn 5 vạn người được đặc xá trở về địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Công tác hoà nhập cộng đồng đã được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cộng đồng dân cư vào công tác cảm hoá, giúp đỡ người được đặc xá. Tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội thấp (chiếm tỷ lệ 1,16%).

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn sau 10 năm thi hành Luật Đặc xá 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là vấn đề rất cần thiết.

Thượng tá Vũ Huy Khánh cũng viện dẫn cần cụ thể hoá thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá quy định trong Hiến pháp 2013; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Từ khi Luật Đặc xá năm 2007 được ban hành cho đến nay, nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, luật có liên quan đến Luật Đặc xá (Luật Thi hành án hình sự năm 2010; Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017); Bộ luật TTHS năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015…), đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục những khó khăn, bất cập trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá 2007. Qua thực tiễn áp dụng, nhiều quy định của Luật Đặc xá năm 2007 cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định về điều kiện của người được đề nghị đặc xá như hiện nay thì số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn. Nhiều người không khỏi băn khoăn, cho rằng việc đặc xá như vậy chưa thể hiện rõ tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu Nhà nước với người phạm tội.

Về việc thực hiện Quyết định đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài, trong luật hiện hành chưa quy định cụ thể thủ tục tiến hành bảo hộ công dân đối với phạm nhân là người nước ngoài được Việt Nam đặc xá.