Từ 20-3: Việc xếp lương của giáo viên THCS sẽ có sự thay đổi lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Từ 20-3, giáo viên các cấp sẽ có thay đổi về xếp hạng và hệ số lương theo quy định mới của Bộ GD&ĐT. Vậy giáo viên đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng cũ nếu đủ điều kiện chuyển hạng mới sẽ được tính lương thế nào? Từ 20-3, lương mới và lương cũ sẽ thay đổi ra sao?

4 Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất về cách quy đổi lương từ hệ số lương cũ sang hệ số lương mới chính thức có hiệu lực từ 20-3. Theo đó, giáo viên các cấp sẽ có một số thay đổi về xếp hạng chức danh nghề nghiệp và hệ số lương.

Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Nếu chuyển sang hạng mới, giáo viên sẽ được tính lương như sau:

Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ.

Với những trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Từ 20-3, giáo viên THCS có sự thay đổi rõ rệt nhất trong việc xếp lương (ảnh minh họa)

Từ 20-3, giáo viên THCS có sự thay đổi rõ rệt nhất trong việc xếp lương (ảnh minh họa)

Về sự thay đổi giữa lương mới và lương cũ của giáo viên từ 20-3, có thể thấy, khi chuyển hạng theo quy định mới, sự thay đổi của hệ số lương giáo viên các cấp như sau:

Hệ số lương thấp nhất của giáo viên mầm non tăng từ 1,86 lên 2,1 và cao nhất tăng từ 4,98 lên 6,38; Hệ số lương thấp nhất của giáo viên tiểu học tăng từ 1,86 lên 2,34 và cao nhất tăng từ 4,98 lên 6,78; Hệ số lương thấp nhất của giáo viên THCS tăng từ 2,1 lên 2,34 và cao nhất từ 6,38 lên 6,78.

Như vậy, hệ số lương thấp nhất của giáo viên THPT không có sự thay đổi khi chuyển hạng. Hạng II, hạng III của giáo viên mầm non không có sự thay đổi về hệ số lương, mức lương. Song do bổ sung thêm hạng I nên giáo viên mầm non được bổ nhiệm vào hạng I sẽ có mức lương cao hơn hẳn so với các giáo viên khác (dao động từ 5,96 - 9,5 triệu đồng).

Giáo viên tiểu học cũng được bổ sung thêm hạng I và khi giáo viên hạng II mới trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học thì được bổ nhiệm vào giáo viên hạng I.

Khi đó, mức lương của giáo viên tiểu học cao nhất đến 10.102.000 đồng/tháng (trước đây chỉ là 7.420.200 đồng/tháng).

Với giáo viên THCS, từ hạng I cũ chuyển sang hạng I mới, mức lương thấp nhất được tăng 596.000 đồng/tháng và mức lương cao nhất tăng hơn 600.000 đồng/tháng; Từ hạng II cũ sang hạng II mới: Mức lương thấp nhất tăng 2.473.000 đồng/tháng và mức lương cao nhất tăng 2.086.000 đồng/tháng; Từ hạng III cũ sang hạng III mới: Mức lương thấp nhất tăng 358.000 đồng/tháng và mức lương cao nhất tăng 134.000 đồng/tháng.

Như vậy, trong các cấp học, khi 4 Thông tư mới có hiệu lực thì giáo viên THCS có sự thay đổi rõ rệt nhất trong việc xếp lương.