Từ 20-3: Áp dụng quy định mới nhất về thời gian được thăng hạng của giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến 4 Thông tư mới của Bộ GD&ĐT có hiệu lực thi hành từ 20-3, nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Điều kiện để thi/xét thăng hạng của giáo viên các cấp là gì? Giáo viên phải giữ hạng cũ lâu hơn khi thăng hạng?

Về điều kiện để thi/xét thăng hạng của giáo viên các cấp, theo Khoản 3 Điều 31 Luật Viên chức, viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Theo đó, chỉ khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được đăng ký thay đổi chức danh nghề nghiệp. Mà một trong những hình thức để thay đổi là thi hoặc xét thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

Từ 20-3, nhiều quy định mới về việc thăng hạng, xếp lương của giáo viên có hiệu lực (ảnh minh họa)

Từ 20-3, nhiều quy định mới về việc thăng hạng, xếp lương của giáo viên có hiệu lực (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 31 và Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên đăng ký dự thi/xét thăng hạng là:

Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện; Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm thi/xét thăn hạng; Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức; Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp…

Về yêu cầu về thời gian giữ hạng dưới liền kề, khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/NĐ-CP quy định, giáo viên trước khi tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm ở vị trí việc làm có yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp và thời gian này được tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng hiện giữ.

Thời gian tương đương phải có ít nhất đủ 12 tháng giữ hạng dưới liền kề so với hạng dự thi/xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng.

Từ 20-3, khi 4 Thông tư mới của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, thời gian giữ hạng dưới liền kề được quy định như sau:

Với giáo viên mầm non, tiểu học khi thăng từ hạng III lên hạng II: Đã tăng thời gian giữ hạng III từ 6 năm lên 9 năm; Chỉ phải giữ hạng III trong 6 năm nếu đã có bằng cử nhân (giáo viên mầm non), bằng thạc sĩ (giáo viên tiểu học) đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên hạng II; Bỏ hai yêu cầu về thời gian giữ hạng III từ đủ 1 năm và tốt nghiệp đại học sư phạm trước khi thăng hạng từ đủ 1 năm trở lên.

Với giáo viên THCS, từ hạng III lên hạng II: Tăng thời gian giữ hạng III từ đủ 6 năm lên 9 năm trở lên; Chỉ phải giữ hạng III trong 6 năm nếu đã có bằng thạc sĩ trước khi tuyển dụng và đáp ứng trình độ đào tạo; Bỏ yêu cầu về thời gian gần nhất giữ hạng III; Bỏ yêu cầu về thời gian đã tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đạt học khác.

Từ hạng II lên hạng I: Thời gian giữ hạng II vẫn yêu cầu là 6 năm trở lên nhưng đã bỏ yêu cầu về thời gian giữ hạng II từ đủ 1 năm trở lên.

Với giáo viên THPT, từ hạng III lên hạng II: Tăng thời gian giữ hạng III từ đủ 6 năm lên 9 năm trở lên; Chỉ phải giữ hạng III trong 6 năm nếu đã có bằng thạc sĩ trước khi tuyển dụng và đáp ứng trình độ đào tạo; Bỏ yêu cầu về thời gian gần nhất giữ hạng III;

Từ hạng II lên hạng I: Thời gian giữ hạng II vẫn yêu cầu là 6 năm trở lên nhưng đã bỏ yêu cầu về thời gian tối thiểu gần nhất giữ hạng II.