Từ 1/7: Luật Căn cước công dân và hàng loạt luật quan trọng chính thức hết hiệu lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 1/7 tới sẽ có hàng loạt luật quan trọng hết hiệu lực như Luật Căn cước công dân 2014, Luật Các tổ chức tín dụng 2010… và được thay thế bằng các quy định mới nổi bật.

Các luật chính thức hết hiệu lực từ 1/7 gồm:

Luật Tài nguyên nước 2012 sẽ hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Tài nguyên nước 2023. Luật mới này cập nhật và bổ sung các quy định nhằm bảo vệ và quản lý tài nguyên nước hiệu quả hơn.

Luật Hợp tác xã 2012 sẽ hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Hợp tác xã 2023. Luật mới quy định chi tiết hơn về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 sẽ được thay thế bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Luật mới tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế và công nghệ phát triển.

Luật Giá 2012 sẽ hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Giá 2023. Luật mới điều chỉnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá, cũng như các biện pháp bình ổn giá để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được thay thế bởi Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Theo đó, Luật mới có các quy định mới về xét duyệt hồ sơ vay tiêu dùng, Cấm bán bảo hiểm phi nhân thọ đi kèm khoản vay và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông.

Luật Giao dịch điện tử 2005 được thay thế bởi Luật Giao dịch điện tử 2023, theo đó Luật mới có quy định chi tiết về hợp đồng điện tử, quy định về nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu trang thông tin điện tử; thanh toán điện tử,...

Luật Viễn thông 2009 được thay thế bởi Luật Viễn thông 2023. Luật mới quy định chi tiết về quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giá cả hợp lý và quy định về việc cấp phép, quản lý, sử dụng hạ tầng viễn thông, đảm bảo an ninh, an toàn mạng lưới viễn thông.

Luật Căn cước công dân 2014 sẽ được thay thế bởi Luật Căn cước 2023. Theo luật này, những người đang sở hữu Căn cước công dân, chứng minh nhân dân nếu hết hạn sử dụng từ 15/1-trước 30/6/2024 cần phải thực hiện đổi sang thẻ Căn cước ngay vào thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực (1/7), nếu không sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021, nếu không đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước theo quy định, những cá nhân này có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

Việc cấp thẻ Căn cước sẽ thực hiện từ 1/7 tới và áp dụng với các trường hợp thẻ CCCD hết hạn, công dân đến tuổi cấp lần đầu, công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ Căn cước hoặc người có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân.

Luật Căn cước quy định các trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước; Công dân có thẻ CCCD gắn chíp hết hạn, sau 1/7 phải đổi sang thẻ Căn cước; Người đang dùng CMND phải đổi sang thẻ Căn cước từ 1/1/2025.