Từ 1/7/2020: Lương cơ sở tăng khiến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa, bồi thường thiệt hại cũng tăng mạnh

ANTD.VN -Việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng kéo theo mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa cũng tăng mạnh. Bên cạnh đó, mức bồi thường thiệt hại trong quan hệ pháp luật dân sự cũng tăng theo.

Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa

Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp với mức như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa = Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%.

Từ 1/7/2020 mức trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tăng mạnh (ảnh minh họa)

Trong đó, thời gian hưởng trợ cấp phụ thuộc vào số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp: Cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Cũng theo Điều 50, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. 

Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tăng mạnh vào năm 2020. Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Nghĩa là, từ 1/7/2020, số tiền này lên tới 5 x 1,6 triệu đồng/tháng = 8 triệu đồng/tháng.

Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Bồi thường thiệt hại lên tới 160 triệu đồng

Điều 11 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định, khi quyền dân sự của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm thì có thể yêu cầu các bên có liên quan phải bồi thường thiệt hại.

Còn theo Điều 584 Bộ luật này, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường là khi có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… mà gây thiệt hại.

Như vậy, một người chỉ phải bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; Có thiệt hại xảy ra.

Cũng theo BLDS 2015, một người phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra, thiệt hại này phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. hai bên có thể thỏa thuận về cách thức và số lần bồi thường thiệt hại. Cơ quan có thẩm quyền sẽ công nhận sự thỏa thuận của các bên.

Không chỉ vậy, ngoài mức bồi thường thực tế thì khi bị thiệt hại, người gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần. Nếu hai bên không thỏa thuận được sẽ thực hiện theo quy định.

Cụ thể, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở; Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở; Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín; mồ mả bị xâm phạm tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở; Thiệt hại do thi thể bị xâm phạm tối đa không quá 30 lần mức lương cơ sở;

Do từ 1/7/2020 lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng nên mức tiền bồi thường thiệt hại cũng tăng mạnh, cụ thể:

Mức bù đắp tổn thất tinh thần do thiệt hại về sức khỏe tăng từ 74,5 triệu đồng lên 80 triệu đồng.

Mức bù đắp tổn thất tinh thần do thiệt hại về tính mạng tăng từ 149 triệu đồng lên 160 triệu đồng.

Mức bù đắp tổn thất tinh thần do thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín tăng từ 14,9 triệu đồng lên 16 triệu đồng.

Mức bù đắp tổn thất tinh thần do thiệt hại về xâm phạm thi thể tăng từ 44,7 triệu đồng lên 48 triệu đồng.

Mức bù đắp tổn thất tinh thần do thiệt hại về xâm phạm mồ mả tăng từ 14,9 triệu  đồng lên 16 triệu đồng từ 1/7/2020.