Từ 1-4: Áp dụng quy trình giám định pháp y mới nhất đối với trẻ bị xâm hại tình dục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quyết định 5609/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập có hiệu lực từ 1-4 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng tại các tổ chức và cá nhân thực hiện giám định pháp y trên toàn quốc.

Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục quy định thủ tục, trình tự các bước và phương pháp giám định về xâm hại tình dục ở trẻ em.

Các bước khám giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục gồm: Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu; Tiếp xúc người được giám định, gia đình, người giám hộ; Khám tổng quát; Khám bộ phận sinh dục; Khám hậu môn, trực tràng; Khám miệng, hầu họng; Khám các bộ phận khác trên cơ thể; Khám chuyên khoa và các xét nghiệm cần thiết; Nghiên cứu vật chứng hoặc thực nghiệm (nếu có); Bàn giao đối tượng giám định; Tổng hợp, đánh giá kết quả.

Mọi hành vi xâm hại tình dục, hành hạ trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm (ảnh minh họa)

Mọi hành vi xâm hại tình dục, hành hạ trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm (ảnh minh họa)

Người được giao nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận và lập biên bản giao nhận: quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu, hồ sơ giám định và đối tượng giám định; Hồ sơ do cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp qua bưu điện.

Nếu hồ sơ không đủ điều kiện giám định, cán bộ được phân công báo cáo lãnh đạo đơn vị ban hành văn bản từ chối giám định trong trường hợp: Hồ sơ không đủ tính pháp lý; Yêu cầu về hồ sơ của cơ quan giám định không được đáp ứng; Người được giám định khác với người trong hồ sơ giám định; Người được giám định không hợp tác.

Về việc khám giám định, cán bộ cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định tiếp nhận trẻ em cần giám định từ cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định; Bảo đảm an ninh cho người giám định và người được giám định; Yêu cầu có chuyên gia tâm lý trong trường hợp nếu trẻ rối loạn tâm lý không hợp tác; Yêu cầu người giám hộ trong trường hợp trẻ không có người thân theo quy định….

Trong quá trình khám tổng quát, giám định viên (GĐV) ghi lời trình bày của trẻ được giám định, quan sát hành vi, thái độ của trẻ khi nhắc đến bố, mẹ hoặc người thân. GĐV hỏi các câu hỏi dễ hiểu, tránh gây cho trẻ xúc động gợi lại ký ức bị hoặc hình ảnh bị xâm hại tình dục; không hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi. Nếu là trẻ em dưới 15 tuổi có thể hỏi thêm người giám hộ về tình hình sự việc.

Nếu là trẻ nói tiếng dân tộc hoặc trẻ là người nước ngoài, hoặc trẻ bị khuyết tật nghe nói, thì yêu cầu cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định cử người phiên dịch đi cùng để phiên dịch.