Từ 1/1/2020: Cấm triệt để uống rượu, bia trước và trong khi lái xe

ANTD.VN -Sáng nay (4/7), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Luật Thi hành án hình sự.

7 Luật được công bố gồm: Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Thi hành án hình sự, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gồm 7 chương, 36 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia, nghiêm cấm cán bộ công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, người làm việc trong LLVT, học sinh, sinh viên uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc…Luật cũng nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 3  biện pháp chính trong phòng, chống tác hại rượu bia. Trong đó, một trong những biện pháp được áp dụng là giảm mức tiêu thụ rượu bia: Quản lý việc khuyến mại rượu, bia, bia có độ cồn dưới 15 độ, quản lý việc quảng cáo rượu bia có độ cồn dưới 15 độ, quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

Hiện trường 1 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe sử dụng bia, rượu

Đặc biệt, Luật còn quy định 7 địa điểm không được uống rượu bia. Đó là những địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên...

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu bia dưới 15 độ nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm. Luật cũng quy định các biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công  không nhằm mục đích kinh doanh.

Luật còn nêu rõ, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu bia trước, trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh , vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải  trong việc phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải  uống rượu bia…

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Bộ Y tế để sớm đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống cũng như việc điều chỉnh các quy định tại Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp, ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật vào thời điểm này là rất phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện cho Bộ Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.

"Tuy vậy, để luật sớm đi vào cuộc sống là điều không đơn giản, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan. Ngoài biện pháp tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân thì việc áp dụng chế tài đối với cá nhân vi phạm là rất quan trọng. 13 hành vi bị nghiêm cấm sẽ có chế tài tương ứng, đặc biệt là chế tài bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già. Để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật,  sắp tới cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ" - ông Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Đảm bảo tốt nhất quyền của phạm nhân trong khi chấp hành án

Cũng trong sáng 4/7, Luật Thi hành án hình sự 2019 cũng đã được công bố. Luật có 16 chương, 207 điều. Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện các chế độ của phạm nhân theo hướng cụ thể, nhân đạo, đảm bảo  tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án, bổ sung quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù.

Trên cơ sở quy định tại Điều 66 BLHS 2015, Điều 368 Bộ luật TTHS 2015, Luật đã bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện về thời điểm, hồ sơ quản lý, cơ quan quản lý, nghĩa vụ lao động, học tập, rút ngắn thời gian thử thách, giải quyết trường hợp  phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nội quy trại giam, hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Bên cạnh đó, Luật  còn bổ sung quy định thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Giải trình, làm rõ hơn về một số vấn đề liên quan đến công tác cải tạo phạm nhân, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh – Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính - Bộ Công an cho rằng, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là người bị phạt tù phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Đây là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác này thì việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng ngay trong quá trình chấp hành án là cần thiết.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ ở nơi giam giữ mà còn ở những nơi có sự quản lý của trại giam phải đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ về ANTT. Với những kết quả đã đạt được trong quá trình tổ chức thí điểm, Bộ Công an đề xuất cần có quy định để đảm bảo yêu cầu cải tạo lao động đối với phạm nhân đồng thời cho họ có điều kiện tiếp cận với việc học, đào tạo nghề nhằm đảm bảo tốt nhất quyền con người, quyền công dân

Khoản 1 Điều 33 Luật Thi hành án hình sự quy định chặt chẽ về lao động của phạm nhân phải đảm bảo các yêu cầu, Khoản 2 nói rõ về kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân, những phạm nhân nào đủ điều kiện lao động, dự kiến chi phí cho lao động...Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an xây dựng Nghị định cụ thể hóa nội dung này.