Từ 1-1-2017, sẽ ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can

ANTĐ - Sáng nay, 27-11, với tỷ lệ 85,63% ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Điểm mới đáng chú ý tại luật này là quy định về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, một trong những nội dung còn nhiều ý kiến trái ngược nhất trong bộ luật này là quy định tại điều 183 về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Do ý kiến còn khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH. Kết quả, có 45,95% ý kiến ĐBQH tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo. Có 34% ý kiến ĐBQH đề nghị chỉ bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong trường hợp bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm.

Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sáng 27-11

Tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, tại khoản 6 điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được thông qua sau đó đã quy định: Giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1-1-2017. Chậm nhất đến 1-1-2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Một nội dung khác rất được quan tâm trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) là quy định về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt. Trên cơ sở lấy phiếu xin ý kiến các ĐBQH, Điều 223 của Bộ luật quy định: sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt sau: Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Cũng trong sáng nay, 27-11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi).