Từ 1/1/2013 sẽ có nhiều khoản thuế phí mới: Lợi hay hại cho nền kinh tế?

ANTĐ - Cánh cửa năm 2013 đã ở trước mặt, chỉ hai tuần nữa chúng ta sẽ phải mở nó để bước vào năm mới. Phía sau cánh cửa đó có những niềm vui, nỗi buồn gì, những hạnh phúc và những thách thức gì, dẫu có mường tượng chúng ta cũng chưa thể hiểu nổi. Nhưng những khó khăn thì đã sớm hiện hữu với mỗi người, mỗi gia đình. 
Kể từ 1-1-2013 hàng loạt các sắc thuế phí sẽ bắt đầu được thực hiện hoặc chuẩn bị được thực hiện. Viện phí thì đã tăng, học phí vừa tăng, các loại thuế, phí đối với ô tô, xe máy đã tăng đồng loạt, sắp tới sẽ thực hiện thu phí bảo trì đường bộ trên đầu xe máy ô tô, các trạm thu phí cầu đường trên các đường giao thông đã có kế hoạch tăng phí 3,5 lần và nhiều loại thuế phí nữa cũng tăng và sẽ tăng… Dân tộc ta có truyền thống cách mạng,  nếu cách mạng cần, đất nước cần không ai băn khoăn. Vấn đề ở chỗ, tăng các loại thuế phí này đóng góp thế nào vào sự phát triển đất nước? 

Minh họa: Internet

Đồng loạt tăng thuế, phí và thực hiên các khoản thu mới

Theo Nghị định 19/NĐ-CP mới ban hành của Chính phủ, mức trần học phí sẽ tăng theo từng năm từ 80- 130 nghìn đồng/ năm, đồng thời, từ năm học 2010-2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch & Đầu tư thông báo. Từ 1-1-2013 phí bảo trì đường bộ thu trên đầu ô tô xe máy từ 50 nghìn đến 180 nghìn đồng/năm sẽ được thực hiện thu. Và như một dây chuyền tất cả các loại phí đều đã tăng hoặc đang chạy đà để tăng. Tại các chợ lớn ở TP Hồ Chí Minh giá vé xe bus vừa mới tăng. Trên các tuyến đường quốc lộ, Bộ GTVT đã có kế hoạch tăng phí cầu đường lên 350%.  Tại một số cảng biển bắt đầu thu phí sử dụng hạ tầng nội cảng…

Thuế phí là nguồn thu chủ yếu của quốc gia

Tại bản Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố, các tác giả đã chỉ ra rằng tỉ trọng các khoản thu từ thuế và phí đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Dẫn quyết toàn ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, bản báo cáo cho hay, tổng thu ngân sách nhà nước khá ổn định trong giai đoạn 2007-2011, vào khoảng 29% GDP, nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3%. Khi loại trừ dầu thô, số thu còn khoảng 21,6% GDP. Mức thu thuế và phí (trừ dầu thô) của Việt Nam hiện nay đang rất cao so với các nước khác trong khu vực - các tác giả khẳng định. Cụ thể, trung bình trong 5 năm gần đây, nếu tỉ lệ thu thuế phí/GDP của Việt Nam trên 20% thì ở Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia xấp xỉ 15,5%, Philipines 13%, Indosia 12,1% và Ấn Độ chỉ 7,8%. Tác giả bản báo cáo đưa ra nhận định, ngoài việc chịu "thuế lạm phát" hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Cũng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, GDP của nước ta năm 2012 ước tính đạt tới 137 tỷ USD.

Trong báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước tháng 10-2012 được văn phòng Bộ Tài chính phát đi hôm 12-11, Bộ Tài chính nhận xét, tình hình thu ngân sách hết sức khó khăn. Trong 10 tháng, tổng thu ước đạt 76,2% dự toán cả năm. Tính ra, bình quân mỗi tháng, số thu đạt 7,6% kế hoạch. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo cục thuế một tỉnh phía Nam, trong 2 tháng còn lại, cơ quan thuế phải thu phần còn lại của kế hoạch, tức 27% dự toán, nghĩa là một tháng phải thu gần 14%. “Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là khó đạt nổi. Quan trọng hơn là từ giờ đến cuối năm, không có nguồn thu nào đột biến, doanh nghiệp thì đang kinh doanh khó khăn”, vị này nói. Trong khi đó các khoản chi ngân sách vẫn phải giữ vững nếu không nói còn phải tăng lên do nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn. Bội chi ngân sách năm 2012 ước tính 4,7% GDP.

Nhu cầu tăng thu ngân sách Nhà nước để đảm bảo chi là có thật. Tuy nhiên việc thực hiện hàng loạt các khoản thu mới và tăng các mức thu của các khoản thu cũ có lợi cho sự phát triển kinh tế và cụ thể hơn là có đảm bảo được các khoản thu lâu dài hay không lại là vấn đề.

Tận thu không là giải pháp tích cực

Đề cập đến việc thu phí tràn lan, tiến sĩ Trần Du Lịch nói: Chúng ta không được lạm dụng chủ trương xã hội hóa mà tăng gánh nặng quá lớn cho dân. Khi thực hiện chủ trương xã hội hóa có hai khía cạnh: Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Thứ hai, Nhà nước không bao cấp một số dịch vụ mà người dân có nhu cầu hưởng thụ phải trả. Điều này là hợp lý. Nhưng dường như tôi cảm nhận phần vốn thu hút ngoài ngân sách dần dần đang “teo” lại, còn phần do người dân đóng góp lại tăng. Nên sớm có luật về phí, lệ phí, tôi nghĩ đã đến lúc làm điều này. Vì phí, lệ phí cần phải sửa đổi, gắn liền với việc đổi mới tổ chức nền hành chính, phải giảm bớt những loại phí thuộc ngân sách chung của quốc gia và tăng phân cấp những loại phí riêng, tùy theo đặc thù của mỗi địa phương.

Phí khác thuế ở chỗ đóng thuế là nghĩa vụ. Còn phí là khi anh nhận dịch vụ gì thì mới đóng, không nhận không đóng. Nói cách khác, đó là một loại dịch vụ công. Khi đóng phí bảo trì đường bộ, người dân có quyền đòi hỏi phải được phục vụ chất lượng tương đương. Phí phải đưa đúng bản chất của phí, không nên núp thuế dưới hình thức phí. Kiểu thu phí bảo trì giao thông đường bộ như đề xuất của Bộ GTVT mang tính chất thuế chứ không còn phí nữa.

 Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dù có xuất hiện thêm bao nhiêu loại thuế, phí thì gánh nặng này sẽ được “đẩy” sang người tiêu dùng thông qua cước vận chuyển. Giá cước vận chuyển tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của tất cả hàng hóa. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tính phí cao không chỉ đánh vào 612.691 xe cá nhân hiện có như Bộ Giao thông Vận tải liệt kê, mà lớn hơn, sẽ làm giảm nhu cầu mua xe. Và như vậy, chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ phá sản. Đơn cử một chiếc xe du lịch hiện đại có từ 20.000-30.000 chi tiết và tính trên toàn thế giới thì ngành công nghiệp ôtô tiêu thụ 77% cao su thiên nhiên, 50% cao su tổng hợp, 67% chì, 40% máy công cụ, 25% thuỷ tinh, 64% gang rèn. Các linh kiện điện tử đã chiếm tới hơn 30% trong giá trị chiếc xe, cao hơn cả giá trị của thép trong ô tô. Thực tế cho thấy hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô sẽ kéo lùi sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. Việc tăng học phí cũng vậy, nó sẽ làm nản lòng người đi học và mục tiêu một xã hội học tập sẽ bị đẩy xa đến vô cùng và về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Điều này về lâu dài sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và giảm tính cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Còn có một sự thật cần phải xem xét khi tăng đồng loạt các khoản thuế phí.  “Hiện nay, doanh nghiệp đang phải 'gồng’ rất nhiều loại thuế. Nhập khẩu nguyên liệu phải chịu thuế, bán ra phải chịu thuế VAT, quyết toán doanh thu thì chịu thuế thu nhập doanh nghiệp… Ngoài ra, khi chia cổ tức cho cổ đông, họ lại phải chịu thuế thu nhập cá nhân, đây là thuế chồng thuế”, ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Công ty May Sơn Việt chia sẻ. Còn có trường hợp phí chồng phí. Đó là các loại phí giao thông. Không hiểu đã có nhà hoạch định chính sách thuế phí nào tính hộ mỗi chiếc xe máy chúng tôi đi làm hàng ngày phải chịu bao nhiêu sắc thuế, phí chưa nhưng như tôi tính nhẩm thí đã tới 13 loại rồi. Vậy thuế có chồng thuế không, phí có chồng phí không?

Với những khó khăn chưa từng có trong nền kinh tế kể từ khi đổi mới, thu nhập đại đa số người dân đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp, những người còn có việc làm lương và thu nhập cũng giảm sâu. Nhu cầu tiêu dùng đã bị tiết giảm mạnh. Nếu tăng thu các khoản thuế phí nữa các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đừng mong bán được hàng và không chỉ hàng tồn kho của năm trước không tiêu thụ được mà hàng mới sản xuất cũng tiếp tục tồn kho và ngừng sản xuất, giải thể doanh nghiệp là chắc chắn. Lúc đó không chỉ phí mà thuế cũng như các khoản thu ngân sách sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Thêm nữa trong việc tận thu ngân sách qua các khoản thu mới dễ làm cho người ta thấy việc không thống nhất về chính sách. Chúng ta có những quyết định quan trọng cũng như có những khoản đầu tư khổng lồ để phát triển nền công nghiệp ô tô, nhưng chỉ vì cần những khoản tiền ít hơn khoản đầu tư cho công nghiệp ô tô hoặc chỉ vì tắc đường ở hai thành phố chúng ta sẵn sàng ban hành các biện pháp tiêu diệt ngành công nghiệp ô tô. Để làm giảm lạm phát chúng ta hy sinh cả sự phát triển kinh tế bằng các chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng lại sẵn sàng tăng giá một loạt các mặt hàng chủ chốt, tăng thu để tăng giá cước vận tải, tăng thu để các tiểu thương tăng giá các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày. Để làm giảm ùn tắc giao thông chúng ta chủ trương tăng các phương tiện vận tải công cộng, nhưng sẵn sàng vì một khoản thu nhỏ tăng giá cước đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thua lỗ. Để tăng chất lượng nguồn nhân lực chúng ta mỗi năm đầu tư trên 20% ngân sách cho ngành giáo dục, mục tiêu để tạo ra một xã hội học tập nhưng lại sẵn sàng tăng học phí…

Theo tính toán việc tăng học phí đại học và cao đẳng có thể tạo ra nguồn thu cho năm 2013 thêm cỡ 400 tỷ đồng, nhưng chắc chắn sẽ làm giảm cơ hội học tập của rất nhiều sinh viên bởi mức học phí như hiện nay, đã có không ít gia đình điêu đứng vì cho con đi học. Thưng theo Bộ Tài chính chỉ cần thay đổi biện pháp quản lý xe công, mỗi năm chúng ta có thể tiết kiệm cho ngân sách trên 1000 tỷ đồng. Đã đến lúc cần tính lại các biện pháp tận thu ngân sách qua việc tăng các khoản thu, tăng mức thu các loại thuế phí.