TS Võ Trí Thành: Cần thiết phải có một kịch bản kinh tế xấu để “phòng thủ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hai đợt dịch Covid-19 liên tiếp diễn ra trong những tháng qua đang khiến kinh tế Việt Nam trở nên khó dự báo hơn. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm nay.
Kinh tế Việt Nam có thể tăng đến 6,2% trong năm nay

Kinh tế Việt Nam có thể tăng đến 6,2% trong năm nay

TS. Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng CIEM cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng GDP đạt 5,64%, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%.

“Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn”- bà Minh cho hay.

Theo báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm với chủ đề cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” do nhóm nghiên cứu của CIEM vừa thực hiện và công bố, bước vào đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai đợt dịch với những diễn biến phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư - bắt đầu từ cuối tháng 4 đến nay, đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Từ thực tế trên, CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, kịch bản 1 giả định dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10-2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường. Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm hơn (tháng 8-2021), và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức cao hơn.

Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9% theo kịch bản 1, và 6,2% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng tương ứng là 16,4% và 18,3%. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.

Dù đưa ra các dự báo khá lạc quan song CIEM cho rằng, trong nửa cuối năm 2021, kinh tế Việt Nam vẫn hứng chịu những rủi ro từ nội tại nền kinh tế cũng như ảnh hưởng từ tình hình thế giới.

Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, hệ luỵ là đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, chi phí logistics tăng tác động đến xuất nhập khẩu hàng hoá… Vì vậy, khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng.

Ngoài ra, tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới, và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ vẫn là những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Nói về các kịch bản tăng trưởng kinh tế, TS. Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ tư này tại các tỉnh Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM vẫn có xu hướng kéo dài.

“Do đó, cần thiết phải có một kịch bản xấu để “phòng thủ”, không may trường hợp xấu nhất xảy ra có thể ứng biến, huy động nguồn lực một cách kịp, thời hiệu quả; tránh có những lúng túng nhất định xảy ra như ở TP HCM thời gian vừa qua”- ông Thành nói.

Với kịch bản xấu này, TS Võ Trí Thành dự báo GDP năm nay sẽ tăng trưởng ở trên dưới 5%.

Theo ông Võ Trí Thành, ngoài tác động lớn từ dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu áp lực về lạm phát hay sự tăng giá của các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến mới, đó là tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại sau nửa đầu năm tăng trưởng mạnh, kinh tế Mỹ, châu Âu có triển vọng tích cực.

Do đó, Việt Nam phải nhanh chóng vượt qua khó khăn từ đại dịch và bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới để tăng trưởng.