Diễn đàn đổi mới giáo dục - cùng hiến kế:

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội: Tổ chức thi là bài toán khó nhất

ANTĐ - Chất lượng giáo dục phổ thông không đồng đều giữa các vùng miền, nếu không chống bệnh thành tích một cách triệt để thì chúng ta sẽ rất lúng túng trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia. Cách tổ chức thi sẽ nửa vời, không triệt để và như vậy sẽ không đổi mới được gì.

Tổ chức tốt kỳ thi quốc gia sẽ thay đổi giáo dục phổ thông

Thi đại học phá nát cách học phổ thông

Tôi đồng ý với Bộ GD-ĐT về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia hai mục đích nhưng vấn đề đặt ra là Bộ có chấp nhận kiểm soát kỳ thi thật chặt chẽ, đạt chuẩn quốc gia hay không? Bên cạnh đó Bộ cần thống nhất một số quan điểm chỉ đạo, trong đó có việc các trường ĐH, CĐ cũng phải thay đổi cách tuyển sinh. Hiện nay, cách tuyển sinh của ĐH quyết định cách học phổ thông. Mấy chục năm nay thi đại học đã phá nát cách học phổ thông. Học sinh lên THPT là bỏ hết môn phụ để học môn thi đại học. Chúng ta nói giáo dục toàn diện là toàn nói suông với nhau chứ thực tế không hề diễn ra như vậy.

Theo tôi, các trường ĐH, CĐ chỉ lấy kết quả thi của kỳ thi quốc gia để đánh giá năng lực, trình độ chung của học sinh THPT. Mỗi trường nên có cách tuyển sinh riêng, không nhất thiết phải dựa vào các môn theo khối A, B, C… Ngoài năng lực, trình độ học sinh được đo bằng điểm kỳ thi quốc gia, mỗi trường có thể tuyển sinh bằng cách phỏng vấn, trắc nghiệm nghề để chọn học sinh đủ năng lực, có lý tưởng nghề nghiệp. Tôi cho rằng cách tuyển sinh đại học thay đổi thì giáo dục phổ thông mới đổi mới căn bản, toàn diện.

Lắp camera trong phòng thi

Chất lượng giáo dục phổ thông không đồng đều giữa các vùng miền, nếu không chống bệnh thành tích một cách triệt để thì chúng ta sẽ rất lúng túng trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia. Cách tổ chức thi sẽ nửa vời, không triệt để và như vậy sẽ không đổi mới được gì.

Theo ý kiến của tôi, để đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi này, hiện tại Bộ không nên cho thi nhiều môn. Để đánh giá năng lực học sinh chỉ cần tập trung thi Toán, Văn và thêm môn Ngoại ngữ để đánh giá năng lực hội nhập là đủ. Thi ít môn thầy trò sẽ tự tin, tập trung ôn tập, giảm tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn tới khả năng học lệch, học tủ. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề xuất Bộ tổ chức bắt buộc các lớp 12 kiểm tra cuối kỳ 1 và cuối năm bằng đề thi của Bộ cho cả 8 môn học chính. Học sinh buộc phải học toàn diện để có điểm tổng kết cuối năm mới được thi quốc gia.

Tuy nhiên, tổ chức thi thế nào là bài toán khó nhất. Tôi tán thành việc phải có lực lượng cán bộ, giáo viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các hội đồng thi, chấm thi, không khoán trắng cho địa phương. Theo tôi, việc coi thi phải làm thật chặt, phải đưa yếu tố kỹ thuật như đưa camera vào phòng thi, giám sát 100% thời gian thi. Điều này dù tốn kém nhưng để đảm bảo tin cậy thì nên làm. Làm chặt thì chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ đỗ thấp.

Đề thi cũng rất quan trọng, phải có sự chuẩn bị đầy đủ. Trước tiên là phải chuẩn bị cho học sinh bằng cách học kỳ I, II Bộ ra đề thi đánh giá toàn quốc để thầy trò biết, tập dượt. Bộ cũng có thể tổ chức thêm kỳ thi này vào tháng 9 để những học sinh nào không đạt hoặc điểm thấp có thể thi lại. Kỳ thi quốc gia được tổ chức tốt sẽ làm đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở phổ thông, đảm bảo độ tin cậy, xứng đáng với kỳ thi quốc gia, không giống với bất cứ kỳ thi nào của THPT trước nay.

ĐHQG Hà Nội đề xuất phương án một bài thi duy nhất

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đề xuất phương án kỳ thi quốc gia mới. Theo đó, thay vì phải thi nhiều bài thi với các môn thi khác nhau, thí sinh sẽ chỉ phải làm một bài thi duy nhất. Bài thi này có 180 câu, hoàn toàn là các câu hỏi trắc nghiệm, không có phần tự luận, với kết cấu gồm 4 hợp phần là Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Mỗi hợp phần Toán và Ngữ văn có 50 câu hỏi, mỗi hợp phần Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội có 40 câu hỏi. Nội dung thi sẽ bao trùm chương trình cơ bản bậc trung học phổ thông, trong đó tập trung vào chương trình lớp 12. Đặc biệt của kỳ thi này là thí sinh sẽ làm bài bằng máy tính và việc chấm thi cũng bằng máy tính.