TS Ngô Trí Long: "Thất thoát lớn vì chậm cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước"

ANTD.VN - Thực tế thời gian qua cho thấy, còn nhiều khó khăn để đạt được các mục tiêu về cổ phần hóa, thoái vốn  doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Trong nhiều trường hợp, việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn.

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) tại Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, diễn ra sáng nay 8/8.

Để lâu, Nhà nước thiệt hại

Theo ông Ngô Trí Long, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy còn không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu này. Thứ nhất là việc Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến DNNN khó thay đổi về chất. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ vốn Nhà nước thực bán qua cổ phần hóa và thoái vốn chỉ chiếm khoảng 7,5% của tổng số vốn Nhà nước nắm giữ. Trong giai đoạn 2011 – 2016, trong số 426 doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều này đã dẫn DNNN không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị, nhân sự, là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc tham gia vào Hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức (vì tỉ lệ cổ phần nắm giữ cũng chưa quá được 35% để có tiếng nói trong quản lý, điều hành doanh nghiệp).

Thứ hai, trong nhiều trường hợp, chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Ông Long dẫn các ví dụ điển hình như Nhà máy Bột Giấy Phương Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên… bán nhiều lần không ai mua; hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được.

Hay Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico), năm 2011, đã có “đại gia” ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng đến năm ngoái, công ty này lên sàn với mức giá chỉ 31.000 đồng/cổ phiếu và đến thời điểm này chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu, hoàn toàn không có giao dịch. Công ty hoạt động lỗ liên tục từ 2015 đến nay.

“Những trường hợp như thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn” - TS Ngô Trí Long nói.

Việc chậm cổ phần hóa có thể gây thiệt hại lớn cho Nhà nước khi nhiều doanh nghiệp làm ăn sa sút 

Cũng theo vị chuyên gia, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, vì thế đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

Nhiều chủ đầu tư chỉ nhắm đến… đất vàng

Một vấn đề nữa trong cổ phần hóa là chọn nhà đầu tư. Thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu”.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp như: có công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt.

Theo vị chuyên gia, không chỉ nhà đầu tư ngoại mà thời gian vừa qua, nhiều vụ việc bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng đã để lại những bài học. Đơn cử như trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) - một thương hiệu điện ảnh có tuổi đời gần 60 năm. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) không hề có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực sản xuất phim.

"Tôi cũng tin rằng, không ít những nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp" - TS Ngô Trí Long nói.