TS.BS Nguyễn Phú Kiều: Y đức không chỗ cho lợi nhuận

ANTĐ - Từ bỏ con đường lập nghiệp đang rộng mở, từ bỏ rất nhiều cơ hội làm giàu để rẽ ngang làm khoa học, nhiều người đã từng bảo ông bị điên. Nhưng vượt lên tất cả, ông đã khẳng định mình ở một lĩnh vực chông gai mà vốn dĩ từ trước tới nay được xem là… chuyện của nhà nước.

Ông ba trong một

Là người sáng lập mô hình khoa học công nghệ  khép kín, vừa làm công tác nghiên cứu, ứng dụng cũng đồng thời là nhà quản lý. Như vậy ông có thấy mình “ôm đồm” quá không?

TS.BS Nguyễn Phú Kiều: Công việc đương nhiên là sẽ nhiều lên, bắt buộc mình phải sắp xếp thời gian làm việc khoa học, hợp lý. Việc nhiều hơn, nên ôm nhiều hơn là không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc mình chủ động cả ba công đoạn là rất cần thiết, bởi lẽ nếu nghiên cứu ra mà không được ứng dụng vào thực tế thì đó là điều rất lãng phí. Làm khoa học, như thế mới chỉ là nửa đường... Mô hình khép kín đi từ Viện nghiên cứu đến sản xuất (Công ty) và đến ứng dụng kết quả nghiên cứu (bệnh viện) có thể chưa phải là tối ưu nhưng đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm của các mô hình rời rạc hiện tại. Nhất là vấn đề đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng.

TS.BS Nguyễn Phú Kiều (áo kẻ sẫm màu" trong một buổi làm việc
của Hội đồng khoa học của Viện

Vậy công việc hằng ngày ông “phân thân” như thế nào?

Cũng không có gì đặc biệt, ngoài thời gian nghiên cứu ở viện tôi vẫn thường xuyên xuống trực tiếp mổ U não bằng Gamma cho bệnh nhân, đồng thời vẫn làm công tác quản lý Công ty TNHH dược phẩm Quế Lâm, một doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (trực thuộc viện).

Vì thế người ta gọi là “ông ba trong một”?

Gọi tắt là thế, anh có thể gọi là ông cai nghiện cũng được (cười). Nhiều gia đình có con em mắc nghiện, khi đưa xuống trung tâm để cai, họ chỉ gọi tôi đơn giản là như thế, nhưng tôi đã thấy rất vui rồi? Người ta có con cái nghiện thì rất ngại tiếp xúc, nhưng với mình họ luôn cởi mở. Đấy, họ có tin mình thì mình mới chữa được bệnh.

Nhiều người từng bảo tôi điên

Trước khi theo nghề y, ông đã từng là thầy giáo ?

Đúng thế. Trước đây tôi học sư phạm, năm 1972, sau khi tốt nghiệp sư phạm cấp 2, tôi về giảng dạy môn Hoá sinh tại Trường Trung học cơ sở Dương Quang, Gia Lâm. Đứng trên bục giảng  được 5 năm nhưng tôi vẫn ước mơ làm thầy thuốc. Vậy là rẽ ngang, xin nghỉ dạy để ôn thi và đã đỗ vào Trường Đại học y Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học y năm 1985, tôi được phân công về làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tới năm 1991 thì được Bộ Y tế cho đi nghiên cứu sinh về kinh tế trong y tế. Từ đó là gắn chặt với y dược đến bây giờ.

Cơ hội đang rộng mở, ông lại bỏ ngang. Vậy nên người ta bảo ông là bị…

Thời kỳ mở cửa, nhiều nguời  rẽ ngang khỏi cơ quan nhà nuớc để lập công ty kinh doanh thu lãi lớn, còn mình mang hết vốn liếng để thành lập một cơ quan nghiên cứu khoa học phi chính phủ. Vì thế nhiều người nói ra nói vào, nào là điên khùng, là hâm, là ngang bướng… Nhưng đã đam mê là không dừng lại được. Thực ra, từ những lần đi khảo sát và nghiên cứu về các loại thảo dược ở Việt Nam, phục vụ cho luận án tiến sỹ, mình thấy nguồn dược liệu của nuớc ta  đa dạng, phong phú như thế mà chưa được nghiên cứu, khai thác hợp lý, đúng mức. Ý tưởng sẽ thành lập một cơ quan nghiên cứu khoa học phi chính phủ để thực hiện những công trình khoa học về dược liệu quý hiếm của nước nhà cũng bắt đầu từ đó. Ý tưởng đó là điều ít ai dám nghĩ đến và dám làm lúc bấy giờ. Vì thế, anh em lúc đó, nhiều người cũng khuyên ngăn rằng làm “khoa học nhà nước” còn chưa đâu vào đâu huống chi làm “khoa học phi chính phủ”. Nhưng mình nghĩ nếu ai cũng chọn con đường dễ thì không ai có thể đóng góp cho đời những công trình khoa học đáng giá. Vậy là vẫn quyết lao vào làm.

Không có cá tính lớn sẽ không có thành quả lớn

Làm khoa học phi chính phủ  sẽ không ít gian truân?

Buổi đầu thành lập, nhân lực còn mỏng, cả trung tâm Nghiên cứu và phát triển dược liệu (Tiền thân của Viện bây giờ) chỉ vỏn vẹn có 7 GS, PGS, TS; 3 BS và 15 nhân viên). Trụ sở cũng chưa có, phải đi thuê,  di chuyển nhiều lần, với nhiều địa điểm tạm bợ khác nhau, khi thì trong một căn hộ tập thể thuê ở khu Giáp Bát, khi thì trong khuôn viên của Trường Công nghiệp kỹ thuật Hà Nội, rồi lại thuê một căn hộ tại Khu tập thể Nghĩa Tân, sau đó chuyển sang một nhà thuê ở phố Phan Kế Bính. Năm 2001, Trung tâm được đổi tên thành Viện Nghiên cứu và ứng dụng dược liệu điều trị các bệnh hiểm nghèo (được Bộ KH&CN cấp phép hoạt động). Lần thứ 5, Viện phải di chuyển trụ sở tới Trung tâm Khí tượng thuỷ văn (phố Pháo đài Láng). Chưa có phòng thí nghiệm, Viện đã phải phối kết hợp với Bộ môn Dược lý của Trường Đại học Dược Hà Nội để thực hiện các nghiên cứu dược lý. Mãi đến năm 2006, mới đổi tên là Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo như bây giờ. Với bộn bề khó khăn, phải hy sinh nhiều lợi ích vật chất của bản thân nhưng tập thể cán bộ, nhân viên của Viện bằng cái tâm trong sáng và ý chí, quyết tâm, đã có nhiều cống hiến cho mục đích khoa học.

TS.BS Nguyễn Phú Kiều phát biểu tại Hội nghị về cai nghiện ma tuý

Cai nghiện ma túy là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia, lâu nay vốn được xem như là chuyện của nhà nước. Lựa chọn đúng mảng gai góc nhất để nghiên cứu, ông không sợ mình sẽ thất bại và mô hình khoa học vừa khai sinh sẽ chết yểu?

Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định phải làm được nhiều hơn mục tiêu nghiên cứu và khai thác, phát triển nguồn dược liệu ở nuớc ta. Đó là tập trung vào các hướng nghiên cứu, bào chế thuốc từ nguồn dược liệu phong phú, đa dạng và quý hiếm - một lợi thế so sánh của nước ta - để điều trị các bệnh hiểm nghèo, mà chủ yếu là: Nghiện ma tuý, HIV/AIDS, ung thư. Đây cũng chính là những vấn đề nan giải mà các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu. Vì thế, Viện đã tập hợp được đội ngũ đông đảo các thầy thuốc, nhà dược học đầu ngành trong cả nước: GS - Nhà giáo nhân dân Vũ Văn Chuyên, GS - Thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh, PGS Phạm Kim Mãn, PGS Nguyễn Quang Bài, PGS Nguyễn Kim Cẩn, GS Trần Văn Chất. Chỉ trong một thời gian không dài, được sự giúp đỡ có hiệu quả của Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), Viện đã cho ra đời một số sản phẩm gây được tiếng vang lớn.

Đề tài nghiên cứu đầu tiên của Viện là: Nghiên cứu, sản xuất thuốc hỗ trợ cai nghiện ma tuý Cedemex, do GS Vũ Văn Chuyên làm chủ nhiệm và tôi làm phó chủ nhiệm đề tài. Trong vòng 5 năm, từ 2002 đến 2007, Viện đã chủ trì 2 đề tài độc lập cấp nhà nước (đề tài Nghiên cứu sản xuất thuốc Cedemex và đề tài Nghiên cứu, sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS - Vegakiss từ thảo dược), 1 đề tài hợp tác quốc tế theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc (Nghiên cứu cơ chế và bào chế tinh thuốc Cedemex), 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước về sản xuất thuốc Cedemex để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, Viện còn đang nghiên cứu, tiến tới hoàn thiện và sản xuất một số thuốc điều trị các khối u lành và ác tính (Kacimex), điều trị viêm và xơ gan, tiểu đường... từ thảo dược Việt Nam.

Khó khăn nhất ông đã từng gặp phải?

Điều khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu, cái rào cản lớn nhất là nhận thức. Ngay cả các nhà khoa học chuyên ngành cũng cho rằng làm sao thảo dược chữa được ma túy, ung thư… Phải vượt lên khó khăn, rào cản nhận thức đôi khi từ chính những cán bộ quản lý, vốn đánh giá thấp hiệu quả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng từ dược liệu, khi mà chúng ta có nguồn dược liệu phong phú, đa dạng quý hiếm một lợi thế so với các nuớc trong khu vực.

Có thuốc chữa nghiện ma túy, hẳn Viện đã giàu to?

Nếu để làm giàu, không ai đi làm nghiên cứu khoa học hàng chục năm, cũng không ai đầu tư vào những vấn đề nhạy cảm làm gì. Nếu chỉ hướng tới những sản phẩm thông thường, chúng tôi đã có thể giàu to. Nhưng làm khoa học, trước tiên là hướng tới cộng đồng, phục vụ cộng đồng. Làm thuốc phải xuất phát từ cái tâm, y đức không có chỗ cho lợi nhuận. Nếu tính toán quá, chẳng ai nghiên cứu được gì.

Hiện nay, dù rất bận nhưng mỗi tuần tôi vẫn dành 3 buổi trực tiếp xuống viện để tiếp xúc với bệnh nhân, nhất là những đối tượng cai nghiện hoặc bệnh nhân chữa trị những bệnh hiểm nghèo. Cái khó, cái thiệt thòi là hiện chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều thông tin khoa học về lĩnh vực này, vì nghiện ma tuý là căn bệnh đặc thù không giống các căn bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm virus. Từ nguyên nhân sinh bệnh, đến những rối loạn chức năng do ma tuý gây nên cho nguời bệnh nên việc chữa trị căn bệnh này cần phải có cách nhìn hoàn thiện dựa trên cơ sở khoa học, mới mong đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, ông có lời chúc gì tới các đồng nghiệp?

Tôi xin chúc cho các đồng nghiệp và các nhà khoa học trong lĩnh vực y, được dồi dào sức khoẻ để đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của công đồng, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Luơng y như từ mẫu”, nhanh chóng đưa sự nghiệp y tế nuớc nhà sánh vai cùng các nuớc trong khu vực và trên thế giới.

TS. BS Nguyễn Phú Kiều - Chủ tịch sáng lập mô hình KHCN khép kín , hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo, Kiêm Tổng giám đốc Bệnh viện  Hy Vọng Mới. Chủ tịch  Công ty dược phẩm Quế Lâm