Truyện trinh thám "Hạn chót lúc bình minh": Số phận con người trước thách thức của thời gian

ANTD.VN - "Hạn chót lúc bình minh", cuốn truyện trinh thám của tác giả Cornell Woolrich vừa được NXB Văn học phối hợp cùng Phúc Minh Books giới thiệu tới độc giả.

Câu chuyện được mở ra bằng sự tình cờ. Cô gái Bricky với ước mơ trở thành vũ công Broadway và chàng trai Quinn đang ngơ ngác, lạc lối giữa thành phố đã gặp nhau ở vũ trường. Họ nhảy với nhau một điệu nhạc và tình cờ phát hiện mình cùng sống ở một khu phố ở quê nhà. Tình cờ họ bị lôi vào một vụ án mạng. Một tội lỗi nhỏ, một lời nói dối sau đó là một vụ án giết người, cuối cùng là chạy đua với thời gian để chứng minh mình vô tội và kịp lên chuyến xe khởi hành trước lúc bình minh về nhà. Tất cả mọi chuyện chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vài tiếng đồng hồ, dồn dập, hối hả.

Hai người lần theo dấu vết, khi tưởng như tóm được thủ phạm đến nơi thì nhà văn Woolrich lại đưa họ quay trở về điểm xuất phát với một chi tiết làm thay đổi hướng đi của vụ án. Tình tiết dồn dập khi truy bắt thủ phạm nhưng lại đột ngột trùng xuống như gánh nặng ngày càng đè lên vai hai nhân vật.

Và sau khi đọc xong và gấp cuốn sách, cảm giác còn đọng lại trong độc giả chính là "Thật khó tin". Thế nhưng với tài dẫn dắt câu chuyện của mình, Woolrich đã biến những cái phi lý thành có lý, sử dụng những sai số rất nhỏ để tạo nên bước ngoặt cho câu chuyện của mình.

Woolrich có biệt tài trong việc dồn các nhân vật của mình đến đường cùng, buộc họ phải chọn lựa: chấp nhận số phận hoặc cố gắng chạy đua với nó. Bricky và Quinn điên cuồng muốn thoát ra khỏi nghịch cảnh nhưng lại bất lực khi biết được rằng ngay từ đầu phải chăng họ đã sai?   

Có thể nói “Hạn chót lúc bình minh” giống như một cuộc chạy đua vượt rào. Vượt qua nhưng rào cản đó là đích đến của bạn. Từng giây, từng phút trôi qua, bạn phải vận dụng hết sức lực, trí lực cho cuộc đua này. Và khi thời gian dừng lại ở con số 6, bạn thắng nhưng ngay giây tiếp theo sau đó bạn lại không biết mình thắng hay là thua?

Thế giới của nhà văn Woolrich là vậy, giống như một mê cung, đánh lạc hướng suy luận của người đọc. Tác giả đặt ra những “cái bẫy” cho các nhân vật chính không may mắn của mình và sau đó chờ đợi nhân vật chính sa vào bẫy và độc giả bị đánh lừa.