Truyền lửa cho các em

(ANTĐ) - Câu chuyện mỹ thuật trải dài qua hàng vạn năm với những thời kỳ khác nhau như Phục hưng - Baroque - Rococo - Hiện đại - Đương đại.
Và đâu phải chỉ nhưng người hoạt động trong cái địa hạt ấy, hay người trưởng thành mới muốn tìm hiểu về đặc điểm các phong cách nghệ thuật, những kiệt tác hội họa hay lý lịch các họa sỹ tiêu biểu. Và đâu phải chỉ người lớn mới muốn cầm cọ để phét lên những gam màu cuộc sống. Chúng ta không thể quên trẻ nhỏ, mỗi lứa tuổi một hướng đi, một phong cách, một sự định hướng, hãy giúp trẻ em chúng ta làm quen, biết rung cảm và yêu mến nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng; có lẽ cách tốt nhất nên bắt đầu từ hoạt động mỹ thuật thực tế sinh động nhằm khơi gợi niềm đam mê và những hứng thú cho trẻ em từ những khám phá đơn giản. Và những ngày vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khai trương phòng “Không gian sáng tạo cho trẻ em” - Nơi đây là một “thế giới” riêng cho trẻ từ 5 tới 15 tuổi có diện tích 70m2 được bố trí tại tầng 3 tòa nhà chính của Bảo tàng; viên gạch nền đầu tiên mở ra chương trình giáo dục mỹ thuật sẽ diễn ra thường xuyên tại nơi lưu giữ những di sản mỹ thuật đồ sộ và quý giá nhất Việt Nam.
Truyền lửa cho các em ảnh 1
Ngay trong ngày ngày khai trương, hàng trăm các em mọi lứa tuổi đã có mặt, ngay lập tức ùa vào các hoạt động ngoài trời trong khuôn viên cổ kính của Bảo tàng. Mỗi em một sở thích, nhóm này vẽ tranh, nhóm kia tô tượng, nhóm khác lại in tranh lên giấy dó. Còn tại không gian sáng tạo chính, các em tham gia nặn đất sét màu các con vật, đồ chơi yêu thích; tô màu cho tranh, xếp hình theo tranh mẫu, vẽ tự do, xé dán tự do, ghép tranh khuyết… Điểm khác biệt của không gian sáng tạo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam so với các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em thường thấy là tất cả hoạt động đều được các chuyên gia xây dựng trên ý tưởng khai thác giá trị di sản dân gian Việt Nam hay những kiệt tác đang được trưng bày tại Bảo tàng. Nguyên mẫu để các em thực hành xếp hình theo mẫu đều là những tác phẩm hội họa nổi tiếng của các họa sỹ hàng đầu Việt Nam như bức “Gióng”, “Gội đầu” (Nguyễn Tư Nghiêm); “Phố Gia Ngư”, “Phố Hàng Mắm” (Bùi Xuân Phái); “Cô Tấm đi hội” (Nguyễn Tấm Cứ); “Thiếu nữ bên hoa sen” (Nguyễn Sáng); “Trái cây Nam Bộ” (Đường Ngọc Cảnh)… Còn các bức tranh được in để các em tự do tô màu hoặc sáng tác theo sở thích đều là những tác phẩm thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ; tượng điêu khắc đình làng nổi tiếng của Việt Nam. “Không gian sáng tạo cho trẻ em” đã được hỗ trợ của Cục Di sản, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa; và sự giúp đỡ của GS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, họa sỹ Đặng Thị Khuê, họa sỹ Trần Hậu Yên Thế… cũng các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Nơi đây, các họa sỹ, nhà điêu khắc cùng các cán bộ Bảo tàng sẽ trực tiếp hướng dẫn các em tìm hiểu, khám phá mỹ thuật dân gian, đương đại trong nước và quốc tế. Qua đó nâng cao giáo dục thẩm mỹ cho các em bằng việc hiểu được các tác phẩm, phương pháp tiếp cận hội họa và phát triển tư duy sáng tạo mỹ thuật. Đặc biệt, không gian mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dành cho trẻ sẽ giúp các em khám phá và hiểu sâu sắc hơn về nội dung trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng. Đúng như ý nghĩa của nó, các em đến đây không chỉ vui chơi, được thỏa sức sáng tạo mà còn có môi trường tiếp cận với những di sản mỹ thuật Việt Nam, biết trân trọng những giá trị truyền thống, có kiến thức cơ bản để thưởng thức nghệ thuật. Bằng nhiều công sức và cả những tấm lòng tâm huyết với trẻ thơ của nhiều con người đã xây dựng thành công “Không gian sáng tạo cho trẻ em”, với hy vọng sẽ tạo nên sự gắn kết Bảo tàng với cuộc sống lẫn khơi dậy tình yêu với nghệ thuật trong những tâm hồn trẻ nhỏ.