Truyền hình trả tiền: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

ANTĐ - Hội nghị quốc tế về “Cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam” diễn ra sáng 11-9 đã chỉ rõ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc biến tiềm năng thành cơ hội không phải dễ khi thị trường đã có quá nhiều nhà cung cấp.

Thị trường truyền hình trả tiền khó tăng thuê bao mới

Cạnh tranh với nhà cung cấp không chính thống

Đánh giá cao tiềm năng phát triển của truyền hình trả tiền tại Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Đức Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty dịch vụ kỹ thuật truyền thông HTV (trực thuộc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) lại chỉ ra thực tế: “Hiện nay, nhiều người dùng truyền hình trả tiền, chủ yếu là khách nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ dịch vụ này vì nội dung chương trình bị giới hạn, không cạnh tranh được. Những khách hàng này đã chuyển sang xem truyền hình qua mạng Internet, được cung cấp nội dung từ nước ngoài”. Theo quy luật, khi quy định thắt chặt kênh thông tin nào đó với người dùng thì lập tức sẽ bung ra những kênh tiếp cận khác để thay thế. Truyền hình không chính thống là hình thức đáng quan tâm đối cơ quan quản lý và các doanh nghiệp truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc ASEAN, Hội đồng Hoa Kỳ - ASEAN, cố vấn Hiệp hội truyền hình Cáp và Vệ tinh châu Á - Thái Bình Dương (Casbaa), trên cả nước hiện có 6,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, so với số lượng dân cư thì khoảng trống để doanh nghiệp khai thác còn rất lớn. Trong đó, thị phần của Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) là 28%; SCTV 26%; MyTV 16%; HTV 9% và VTC 6%. Ngoài ra, thị trường truyền hình trả tiền còn có sự tham gia của: VNPT, Viettel, FPT và một tỷ lệ không nhỏ thuê bao truyền hình trả tiền của các nhà cung cấp dịch vụ khác như: NextTV, OneTV, AVGTV… 

Có kinh nghiệm tham gia phát triển truyền hình trả tiền tại nhiều nước, ông Jayques - Aymar de Roquefeuil - Phó Tổng giám đốc VSTV/K+VTV cho hay, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam có 2 điểm mạnh, là cạnh tranh mạnh mẽ, không có độc quyền và chi phí tham gia rẻ, chỉ bằng 1/5 chi phí ở các nước châu Phi vốn kém phát triển hơn Việt Nam. 

Khó tăng thuê bao mới

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, trong 3-4 năm trở lại đây, HTV không tăng thêm được thuê bao mới và không khai thác được hết tiềm năng thị trường ở những địa phương đã được cấp phép. “Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép cho chúng tôi triển khai dịch vụ tại 29 tỉnh, thành phố. Chúng tôi đặt mục tiêu có 1,5 triệu thuê bao tại những địa phương này, nhưng 3-4 năm nay số thuê bao không biến động vì nhiều trở ngại, đặc biệt là sự phối hợp tác của chính quyền các địa phương”- Lãnh đạo HTV cho hay. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có định hướng rõ ràng cho việc dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp nhưng nhiều địa phương khác chưa có. “Cơ quan quản lý cần có định hướng cụ thể, bình đẳng để doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường có cơ hội phát triển”- ông Nguyễn Đức Hòa kiến nghị.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ cũng đang đối mặt với tình trạng thuê bao ảo, nội dung các chương trình chưa hấp dẫn và cạnh tranh không lành mạnh. Ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam dẫn chứng: “Có nhà cung cấp giới thiệu chương trình khuyến mãi theo phương thức: nếu chuyển sang dùng dịch vụ của tôi thì sẽ được miễn 3-6 tháng cước thuê bao. Cạnh tranh như vậy là không đúng đắn”. 

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thị trường truyền hình trả tiền đang trong giai đoạn quá độ để thích nghi với chính sách quản lý mới của nhà nước. Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy thị trường bằng việc cấp phép cho những doanh nghiệp mới có năng lực về hạ tầng và nguồn vốn đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp đã tham gia thị trường truyền hình cáp ở giai đoạn trước theo hướng hình thành các doanh nghiệp đủ mạnh, nâng cao sức cạnh tranh và có khả năng cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng.