Truyền hình trả tiền mới chỉ “đua” giá cước

ANTĐ - Hàng loạt các doanh nghiệp đã và sắp tham gia “cuộc chơi” của thị trường truyền hình trả tiền buộc các doanh nghiệp phải khuyến mãi rầm rộ để hút khách. Nhưng bên cạnh giá cả, chất lượng cũng là mối quan tâm lớn của khách hàng.

Càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, người tiêu dùng càng có lợi

Phải cạnh tranh bằng chất lượng

Chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền đang là mối quan tâm lớn của rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, thời gian qua, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp đã cung cấp chưa được nâng cao khiến một bộ phận khách hàng muốn đổi hoặc bỏ. Nhưng có một thực tế là khách hàng muốn đổi sang dịch vụ của nhà cung cấp khác cũng không phải dễ, vì dường như các doanh nghiệp đã “phân chia” thị trường, khu vực đã có đầu cáp của doanh nghiệp này thì khó có đầu cáp của doanh nghiệp khác cho khách hàng đấu nối. 

Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2015 sẽ chấm dứt truyền hình analog tại các thành phố lớn. Đây là cơ hội lớn để nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền, vốn được coi là “mảnh đất” nhiều tiềm năng khi mà số thuê bao truyền hình trả tiền trên toàn quốc hiện nay mới chỉ có khoảng 5 triệu thuê bao trên tổng số 20 triệu hộ gia đình xem truyền hình.

Chuyển sang truyền hình trả tiền, người dân có quyền đòi hỏi chất lượng dịch vụ tương đương với chi phí bỏ ra. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, chất lượng hình ảnh, chất lượng dịch vụ của nhiều doanh nghiệp kém và chậm khắc phục. Trong khi đó, nhà nước lại chưa ban hành quy định bắt buộc kiểm định chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền nên quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ. Nâng cao chất lượng dịch vụ đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong bối cảnh có nhiều nhà cung cấp và đòi hỏi của khách hàng ngày càng cao.

Cước thuê bao sẽ về mức bình dân?

Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền mới chỉ cạnh tranh về giá cước. Mới đây, Bộ TT-TT đã ra quyết định cấp phép cho các “đại gia” viễn thông như VNPT, Viettel, FPT... tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền. Và theo kế hoạch thì từ ngày 1-4 tới đây, Viettel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Cuộc đua giá cước giữa các doanh nghiệp bước vào giai đoạn gay cấn khi họ đua nhau tung ra các gói khuyến mãi. Truyền hình cáp TP.HCM  (SCTV) sau khi mở rộng thị trường ra miền Bắc đã áp dụng khuyến mãi miễn phí lắp đặt và tặng một bộ giải mã truyền hình số, đồng thời cho phép một thuê bao chia sẻ nhiều tivi trên đường cáp. Phí thuê bao của SCTV đang áp dụng ở Hà Nội trọn gói là 60.000 đồng/tháng, cung cấp 130 kênh trong đó có 25 kênh HD. 

Tương tự, Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) cũng áp dụng chương trình khuyến mại dịch vụ truyền hình HD với mức giảm giá 500.000 đồng/bộ thu; Đồng thời, khách hàng được miễn phí 12 tháng thuê bao gói kênh HD (150 kênh). Ngay cả kênh truyền hình K+ mới đây cũng buộc phải đưa ra 3 gói thuê bao rẻ hơn là Access+ với 85.000 đồng/tháng và 

PremiumHD+ là 220.000 đồng/tháng. Truyền hình vệ tinh như: An Viên, VTC, VNPT… cũng không nằm ngoài cuộc chơi này để thu hút khách hàng. Chưa công bố giá cước và các chương trình khuyến mãi sẽ áp dụng khi khai trương dịch vụ, nhưng nhiều dự báo cho rằng Viettel sẽ lại “tiên phong” đưa ra giá dịch vụ truyền hình trả tiền về mức bình dân, dưới 60.000 đồng/tháng như họ đã từng làm đối với lĩnh vực viễn thông bởi họ có lợi thế về hạ tầng.